21/01/2011 2:27 AM
Thị trường đất nền Hà Nội đã trải qua một năm sôi động, từ các cơn sốt đất từ phía Tây nhất là ở khu vực Ba Vì, rồi tới những cơn sốt đất âm thầm ở phía Đông. Nhu cầu nhà đất của người dân Thủ đô đang ở mức cao, tốc độ di dân vào Thủ đô cao cùng với các chiêu làm giá của giới đầu cơ, cò đất làm cho giá đất Thủ đô tăng chóng mặt. Vậy liệu có xảy ra cơn sốt đất trong năm 2011?

Tình hình thị trường đất nền Hà Nội 2010

Có thể nói trong vài năm gần đây giá đất phía Tây Hà Nội vẫn tăng đều đặn, do Hà Nội mở rộng về phía Tây cùng với cơ sở hạ tầng ở đây đang được hoàn thiện. Vào tháng 3/2010, khi mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển lãm và có thông tin trung tâm hành chính quốc gia sẽ dời về chân núi Ba Vì được công bố, giá đất ở khu vực Ba Vì tăng nhanh chóng khiến hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để "lướt sóng". Và ngay lập tức, giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin với giá gấp nhiều lần trước đó. Thế nhưng, ngay khi bản quy hoạch vấp phải sự phản đối của các cơ quan chức năng, giá đất Ba Vì rớt nhanh chóng giấc mơ kiếm bạc tỷ từ đất Ba Vì của hàng trăm nhà đầu tư “lướt sóng” lập tức trở thành bong bóng xà phòng. Một số nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa vì giá đất hạ rất thấp càng làm cho miếng đất khó bán, nếu bán ra với giá thấp thì sẽ bị lỗ, còn không bán thì không có tiền trả nợ vì đã trót vay tiền mua đất.

Giá đất Ba Vì rớt thê thảm khi thông tin quy hoạch bị vấp phải sự phản đối. Ảnh: nguồn Internet


Sau cơn sốt đất ở khu vực Ba Vì, những tưởng giá đất phía Tây không còn tăng nữa, nhưng giá đất ở phía Tây những tháng cuối năm vẫn có dấu hiệu sốt trở lại. Giá đất tăng chủ yếu ở các khu đô thị giáp với trục đường lớn mới mở, với mức tăng khoảng 25 –40%. Theo ý kiến của các công ty môi giới trong khu vực, giá đất ở phía Tây vẫn tăng không phải là do nhu cầu mua để ở thực sự tăng mà là do những chiêu thổi giá của giới đầu tư. Việc mua bán diển ra chỉ là qua lại của các nhà đầu tư, nhằm tạo nên mặt bằng giá mới cao hơn.

Ngày 15/10/2010, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới nhất về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì và trụ sở các bộ ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Giới đầu cơ, cò đất lại có dịp làm giá làm giá đất với thông tin quy hoạch này. Thế nhưng, không giống nhưng cơn sốt đất ở Ba Vì, dù giá đất ở đây tăng cao gấp 2, gấp 3 nhưng tình trạng mua bán vẫn rất trầm lắng nguyên do là giá đất ở đây được thao túng bởi cò đất tạo nhu cầu ảo nhằm thu hút người mua.

Giá đất tháng 6/2010 ở khu vực phía Đông, phía Bắc vẫn âm thầm tăng khoảng 30% so với cuối năm 2009, và giá đất ở khu vực phía Đông vẫn còn tăng ở nửa cuối năm 2010. Mặc dù không tạo được sóng như cơn sốt đất Ba Vì, nhưng nhìn chung giá đất ở phía Đông tăng khá cao, một phần chính là do cơ sở hạ tầng ở khu vực này ngày càng trở nên tốt hơn và đang được hoàn thiện với sự xuất hiện các cây cầu lớn Vĩnh Tuy, Thanh Trì và sắp tới là cầu Nhật Tân, cầu Tứ Liên.

Nhìn chung, thị trường đất nền Hà Nội năm 2010, giá đất tăng ở nhiều nơi theo nhiều mức độ khác nhau ở những khu vực khác nhau. Ngoài cơn sốt đất ở khu vực Ba Vì, giá đất phía Tây vẫn tăng đều đặn. Ngoài ra, giá đất ở khu vực phía Bắc, phía Đông vẫn tăng ở mức 30% trong nửa đầu năm 2010, và vẫn còn còn tiếp tục tăng ở cuối năm 2010 khi các nhà đầu tư nhận thấy thị trường nhà đất ở phía Đông vẫn còn tiềm năng. Theo nhận định của chuyên gia, giá đất ở Hà Nội trong năm 2010 tăng cao không phải là do ảnh hưởng của nhu cầu mua ở thực sự mà là do giới đầu cơ, cò đất thao túng, tung tin đồn, đẩy giá đất lên cao.

Sẽ có “cơn sốt” giá đất trong năm 2011?

Theo nhiều chuyên gia, thị trường đất nền Hà Nội trong năm 2011 được dự báo là sẽ tăng giá, tuy nhiên mức độ tăng giá không thể tạo nên cơn sốt như trong năm 2010. Khu vực phía Tây được dự báo là sẽ trầm lắng do mức giá đã gần như chạm trần, trong khi khu vực phía Đông là mảnh đất đầy tiềm năng của các nhà đầu tư vì mức giá dự báo là sẽ tiếp tục tăng.

Khả năng xảy ra sốt đất ở Hà Nội hay không vẫn là câu hỏi lớn, chưa thể nào biết trước được. Khả năng sốt giá đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thông tin quy hoạch Thủ đô, khả năng thao túng giá của nhà đầu cơ, cò đất; và những yếu tố tác động đến nhu cầu của nhà đầu tư, người có nhu cầu thực như lãi suất cho vay, thu nhập của người dân, nguồn tiền tích trữ …

Giá đất nền bấy lâu nay vẫn chịu nhiều tác động từ thông tin quy hoạch, khi thông tin quy hoạch được đưa ra dù vẫn chưa được phê duyệt thì khả năng hình thành cơn sốt đất sẽ cao. Người dân sẽ đổ xô đi mua đất tạo nên nhu cầu ở khu đất bị quy hoạch tăng lên làm cho giá tăng lên một cách nhanh chóng.

Giới đầu cơ, cò đất được xem là tác nhân chính gây nên cơn sốt đất trong năm qua. Mỗi khi thông tin quy hoạch được công bố mặc dù vẫn chưa được phê duyệt chính thức là giới đầu cơ, cò đất lại có dịp thao túng giá thị trường, bằng cách lùng xục tìm mua các miếng đất rẻ rồi đẩy giá lên cao, các miếng đất được mua đi bán lại nhiều lần cũng góp phần làm giá cao chót vót. Họ rỉ tai vào người mua những thông tin quy hoạch ở khu vực này, và đảm bảo giá sẽ tăng đồng thời tạo nên tình trạng sốt ảo đất trong khu vực.

Thực tế, nhu cầu nhà đất của người dân Hà Nội vẫn rất cao, cùng với thu nhập tăng lên trong những năm qua. Đây cũng là những yếu tố tác động giá nhà đất. Mặc dù, lãi suất cho vay hiện tại vẫn đang ở mức cao, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhu cầu mua nhà đất. Nhưng lượng tiền tích trữ trong người dân nhất là của nhà đầu tư vẫn khá lớn vì khi một khu vực được xem là tiềm năng thì giao dịch vẫn diễn ra khá sôi động.

Theo nhận định của CafeLand, khả năng xảy ra sốt đất vẫn có thể xảy ra, còn về thời gian sớm nhất là cuối quý 2 khi tình hình lạm phát bắt đầu dịu lại, lãi suất cho vay giảm xuống là thời điểm để mua đất đầu tư. Khả năng sốt đất được kì vọng là diễn ra ở khu vực phía Đông, khi mà cơ sở hạ tầng ở đây phát triển, giá đất ở đây được dự báo là sẽ tăng thêm nữa, ngoài ra khu vực ngoại thành cũng được kỳ vọng là sẽ tăng giá. Ngoài ra, theo CafeLand, nhu cầu về nhà đất của người dân Thủ đô cùng với lượng tiền nhàn rỗi khá lớn cùng nguồn tiền đầu tư vào đất nền của các nhà đầu tư cá nhân từ các khu vực tỉnh thành khác vào Thủ đô, vì theo quan điểm của họ bất động sản vẫn được sẽ là kênh đầu tư an toàn so với chứng khoán và vàng, cũng được xem là tác động của việc gây sốt đất. Yếu tố gây nên sốt đất chủ yếu chính là từ giới đầu cơ, cò đất, do đó việc các cò đất, nhà đầu cơ có tiếp tục thao túng giá, làm giá đất, tạo nên mặt bằng giá mới hay không thì theo CafeLand nếu có xảy ra thì cũng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và cục bộ ở vài nơi vì nếu như mặt bằng giá quá cao thì sẽ không thu hút được người có nhu cầu mua đất thực sự, ngoài ra chính quyền cũng có những biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn giá đất lên quá cao.


Khách Quan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland