Hàng ngàn phòng ở thuộc khu ký túc xá tập trung lớn nhất Hà Nội tại đô thị mới Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8. Đó là nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc với nhiều sở, ngành chiều 13/6.

Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), tính đến nay, 2 dự án ký túc xá tập trung quy mô lớn nhất thành phố tại Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn phải chờ lắp đặt trang thiết bị nội thất đi kèm như giường, tủ, bàn ghế.

Theo quy định, nguồn tiền xây dựng cơ bản được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư trang thiết bị phải lấy từ ngân sách thành phố.

Khu ký túc xá tập trung quy mô lớn tại Mỹ Đình 2. Ảnh: như ý

Trong khi đó, tiền xây dựng cơ bản còn nợ nhà thầu của cả hai dự án là trên 215 tỷ đồng và tiền thiết bị đi kèm đang chờ lên tới hàng chục tỷ đồng. Do khó khăn về vốn đầu tư nên thành phố đang làm việc với các trường để có thể ứng vốn đầu tư thiết bị đi kèm theo hướng xã hội hóa và sau đó trừ dần vào tiền cho thuê nhà.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng và sở ngành chức năng khẩn trương hoàn tất quy chế quản lý, sớm lựa chọn các trường có nhu cầu để đưa sinh viên vào ở ngay trước khi khai giảng năm học mới vào tháng 8. Về nguồn vốn, ông Tuấn đề nghị các sở, ngành xem xét phương án sử dụng ngân sách của thành phố để tháo gỡ triệt để khó khăn và đảm bảo tiến độ đưa hai khu ký túc xá vào hoạt động, tránh lãng phí.

Đề xuất mới cho chung cư cũ

Trước hàng loạt khó khăn trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, nguyên nhân lớn nhất gây chậm tiến độ cải tạo đó là mâu thuẫn trong thực hiện chính sách. Doanh nghiệp không mặn mà khi mà tại 4 quận nội đô đều thuộc khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng, lợi ích của nhà đầu tư không đảm bảo.

Nhiều dự án đã khảo sát, nghiên cứu xong rồi lại để đấy. Ngân sách thành phố không thể đủ chi lượng kinh phí quá lớn cho các dự án này. Nhiều mâu thuẫn khiếu kiện nảy sinh rất phức tạp giữa người dân với nhà đầu tư và chính quyền. Trong khi đó, hầu hết các dự án cải tạo chung cư cũ đều nằm chờ quy hoạch tầng cao, quy hoạch phân khu.

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất, cần phải điều chỉnh quy định theo hướng chỉ cho phép chung cư sau cải tạo tăng thêm tối đa 20% diện tích, chiều cao 9 tầng thay vì tình trạng vung tay thỏa thuận với dân rồi lại chạy đua nâng tầng như vừa qua. Quy định như vậy sẽ đảm bảo về tiêu chuẩn quy hoạch, hạn chế chất tải lên hạ tầng mà vẫn đáp ứng quyền lợi cho doanh nghiệp.

“Cái khó hiện nay là trong cùng một chung cư thì bên trong nhà là sở hữu cá nhân, nhưng cầu thang lại là sở hữu nhà nước nên cần có sự quyết liệt của cơ quan công quyền”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, do nhận thức chưa đầy đủ về chính sách nên có tình trạng người dân “đánh đu” với chủ đầu tư, chính quyền khi triển khai dự án mà không có phương án xử lý dứt điểm.

Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Bùi Mạnh Tiến cho hay, cơ quan này đang khẩn trương hoàn tất dự thảo về quy chế quản lý cao tầng để làm cơ sở trong cải tạo chung cư cũ. “Ngay tuần sau, mô hình về quản lý cao tầng sẽ được đưa ra trưng bày”, ông Tiến nói.

Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.