1 quận 55 dự án “rùa”
Hà Đông là một trong những quận đứng hàng đầu về các dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội. Báo cáo của UBND quận Hà Đông tại buổi họp giao ban về các biện pháp khắc phục, xử lí các dự án có sử dụng đất trên địa bàn của UBND thành phố Hà Nội ngày 11-4 cho thấy: Hiện trên địa bàn Hà Đông có 55 dự án chậm triển khai, có 3 tổ chức cá nhân vi phạm Luật Đất đai.
Cụ thể UBND quận Hà Đông đã kiến nghị thu hồi 11.417 m2 đất của Công ty Bitis do quá 43 tháng dự án không triển khai. Ngoài ra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thanh tra và đồng ý với kiến nghị của quận thu hồi đất của Công ty Xây dựng và Vật liệu xây dựng Sunway để xây dựng trường học.
Còn tại thị xã Sơn Tây, Công ty TNHH Hùng Việt được giao 84 ha đất từ năm 2006 nhưng không triển khai dự án khiến nhân dân bức xúc. Có trường hợp Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Dương được giao 6 ha đất từ năm 2004, đã xây dựng trường học nhưng công tác đào tạo, thu hút học sinh hạn chế nên đã ngưng hoạt động.
Lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ: Dự án khai thác cát của Công ty Kim Thanh chưa làm gì từ năm 2008 đến nay. Ngoài ra, trục đường phát triển xã hội của Tập đoàn Nam Cường đã có quyết định khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay chưa thực hiện tiếp, mới bóc đất đá, chưa làm đường.
Trao đổi với phóng viên, TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Kinh tế-Xã hội cho rằng: Cơ quan quản lí đã quá dễ dãi khi thu hồi đất. Trong khi đó, chủ đầu tư không tiến hành dự án mà để hoang hóa, nằm phơi nắng phơi sương, mặc cho cỏ mọc hoặc thành nơi chăn bò. Không chỉ ở Hà Nội, tình trạng này diễn ra khắp cả nước gây ra một sự lãng phí rất lớn và lãng phí đất đai đang là trở ngại đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là bất cập cần giải quyết trong thời gian tới.
Xử lí kiên quyết nhưng không “cực đoan”
Trước tình trạng tràn lan dự án chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã có một loạt biện pháp xử lí, nhưng không dễ dàng khi các chủ đầu tư tìm đủ cách né tránh.
" Việc gia hạn sử dụng đất phải rút kinh nghiệm, không gia hạn nhiều lần, chỉ đảm bảo thời gian để chủ đầu tư khắc phục khó khăn khách quan, không là công cụ cho doanh nghiệp trây ỳ." - Ông Vũ Hồng Khanh |
Theo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, đối với các dự án chậm triển khai do quyết định thu hồi đất hết hiệu lực, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.
Đối với các dự án chủ đầu tư không liên hệ để triển khai tiếp, chưa có thông tin kiểm tra, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.
Thế nhưng, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại cho thấy, hầu hết các đối tượng thanh tra không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ. Chẳng hạn như chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo nội dung yêu cầu thanh tra, chậm cung cấp tài liệu, hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra. Đối tượng thanh tra không có mặt tại địa điểm thanh tra đúng thời gian đã ấn định làm chậm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của đoàn thanh tra.
Phát biểu tại buổi giao ban ngày 11-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã nhấn mạnh: Mọi vi phạm pháp luật đất đai khi phát hiện phải xử lí kiên quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng việc xử lí không cực đoan đến mức cứ vi phạm là phải thu hồi mà pháp luật quy định rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để xử lí.
Việc dự án triển khai chậm do những nguyên nhân chủ quan phải xem xét đến năng lực của chủ đầu tư, kể cả trong trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư trong khi cơ quan quản lí Nhà nước đã có biện pháp nhắc nhở, gia hạn vẫn không khắc phục thì phải thu hồi.
Ông Khanh nói: Kiên quyết xử lí các dự án chậm triển khai nếu không khắc phục được. Bởi vì chủ đầu tư không có năng lực, không tâm huyết với dự án.
-
Bán cả đất quy hoạch công viên
Dự án có đất công viên cây xanh nhưng giờ kín nhà ở.
-
“Tháo gỡ cho bất động sản là điều cần thiết”
Tối 14/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đã khẳng định, gói kích cầu 30.000 tỷ đồng chủ yếu để hỗ trợ người nghèo mua, thuê nhà ở.
-
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói về vấn đề hỗ trợ thị trường bất động sản
Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải đáp những vấn đề liên quan đến định hướng hỗ trợ thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội cũng như chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.