04/12/2017 8:45 PM
Chiều 4-12, Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục phiên làm việc.
Các đại biểu HĐND thành phố đã nghe tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND.
Vướng mắc từ khâu giải phóng mặt bằng (GPMB)
Thay mặt UBND thành phố trình bày tờ trình điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngày 6-12-2016, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 của thành phố; trong đó đã thông qua danh mục 52 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 503.374 tỷ đồng (sau khi rà soát, cập nhật theo số liệu được chuẩn xác lại thì tổng mức đầu tư là 485.320 tỷ đồng); gồm 29 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA; 22 dự án đầu tư theo hình thức PPP (18 dự án BT, 3 dự án BOT, 1 dự án theo hình thức PPP khác); 1 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Kết quả, đến hết tháng 10-2017, trong tổng số 52 dự án thì 2 dự án hoàn thành đúng tiến độ, 28 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ và 22 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Về nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện chậm, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án còn vướng mắc (GPMB các ga ngầm của 2 tuyến đường sắt; mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long, Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa…), dẫn đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn 2017 chậm, nhiều dự án phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn; một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án (Bệnh viện Nhi, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên, Bảo tàng Hà Nội).
Các dự án PPP thủ tục còn chậm, nhiều dự án phải xin ý kiến của các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ; một số dự án BT thiếu hoặc chưa xác định được quỹ đất thanh toán (Cung thiếu nhi; trục Hồ Tây-Ba Vì; Đường 70 đoạn Hà Đông-Văn Điển…).
Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ, chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án.
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình, bà Phạm Thị Thanh Mai-Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của HĐND thể hiện sự lo ngại về việc có tới 22/52 công trình (chiếm 42,3% tổng số công trình, dự án) hiện đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, với 17 dự án sử dụng vốn đầu tư công đang triển khai thực hiện trong năm 2017 với tỷ lệ giải ngân thấp (hết tháng 10 chỉ đạt 48,6% kế hoạch giao đầu năm), thậm chí thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của kế hoạch xây dựng cơ bản tập trung của thành phố. Theo bà Mai, việc triển khai chậm các thủ tục đầu tư và chậm giải phóng mặt bằng là những khâu vướng mắc nhất trong triển khai các công trình, dự án của thành phố từ nhiều năm nay.
Ảnh minh họa/TTXVN.
Bổ sung 3 dự án, công trình trọng điểm
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, dựa trên thực tế tình hình triển khai các dự án, UBND thành phố đề xuất bổ sung 3 dự án, công trình vào trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố.
Đó là: Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt-đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường 2,5), sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng; Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai, sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng; Dự án xây dựng Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng.
Như vậy, danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 sau điều chỉnh, bổ sung gồm 55 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 487.183 triệu đồng (gồm 27 dự án ngân sách và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 hình thức đầu tư theo hình thức xã hội hóa).
Vũ Dung (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.