Sau hàng loạt sự cố sập nhà, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn. Thế nhưng việc người dân tìm mọi cách để không di dời bất chấp nhà đã cũ cho thấy một phần nguyên nhân từ sự bất cập của chính sách, nhưng cùng với đó là sự bảo thủ từ chính tâm lý của người dân… Điều này đã chứng minh sự phức tạp trong công tác cải tạo, nâng cấp các nhà chung cư cũ trên cả nước trong thời gi

Hà Nội có hàng chục công trình đã xuống cấp ở mức độ D.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/2/2016 “Kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị”, Hà Nội hiện đang tích cực khẩn trương đóng góp ý kiến xây dựng “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” do Bộ Xây dựng khởi xướng, đặc biệt chú trọng vào nhà chung cư xây dựng trước năm 1994, các biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm. Mục đích nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà; đồng thời nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình để chủ động sửa chữa, đảm bảo chất lượng và giữ gìn cảnh quan chung cho đô thị.

Trước hết cần thấy rằng bộ “Quy chế, quy trình đánh giá nhà nguy hiểm” được xem là một giải pháp tháo gỡ những nút thắt khiến việc cải tạo chung cư cũ ở Thủ đô cùng các tỉnh thành trên cả nước trong suốt hơn 10 năm qua còn bế tắc. Thời điểm này, nhiều khu chung cư cũ được thẩm định, đánh giá ở cấp độ nguy hiểm nhất cần phải di dời khẩn cấp để xây mới.

Tiếc rằng tại nhiều nơi, trong đó có Thủ đô Hà Nội nhiều người dân với tâm lý sợ phải đi tạm cư, sợ phải tái định cư nên đã không chịu di dời. Điều đó đã khiến cho tại nhiều địa phương tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ đang đứng trước nguy cơ giậm chân tại chỗ.

Đơn cử, khu tập thể cũ C8 - Giảng Võ, Hà Nội, sau hơn 30 năm sử dụng, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh tượng vô cùng nguy hiểm. Những vết nứt kéo dài hàng mét, thậm chí có chỗ lồi cả sắt thép ra ngoài… Theo kết quả rà soát, đánh giá chất lượng của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, công trình nhà ở này nguy hiểm ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở, cần phải di dời khẩn cấp để xây mới. Điều này có nghĩa là hàng trăm hộ dân ở đây đang phải sống trong trạng thái nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Ai cũng cảm nhận thấy mối nguy hiểm thường trực trong cuộc sống hàng ngày, sợ nhà sập nhưng nhiều người dân vẫn chưa chịu di dời kể cả khi TP đã có chủ trương bố trí tạm cư chờ xây mới.

Trước tình trạng này, TP Hà Nội đã đưa ra giải pháp đẩy nhanh công tác rà soát thẩm định và phân loại các công trình công cộng nhà ở cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đánh giá công trình xác định tuổi thọ và tình trạng kỹ thuật nhà ở và công trình công cộng là vấn đề khá phức tạp, đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu. Ở Việt Nam, việc đánh giá này còn hạn chế, các tài liệu kỹ thuật liên quan thì nhiều nhưng tài liệu trực tiếp để đánh giá nhà nguy hiểm còn ít. Do đó, “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn nước ngoài áp dụng phù hợp với Việt Nam nhưng vẫn cần nghiên cứu hoàn thiện.

Đối với TP Hà Nội, bài học từ vụ biệt thự 107 Trần Hưng Đạo và nhà số 43 phố Cửa Bắc sụp đổ cho thấy việc bảo đảm chất lượng công trình luôn đi đôi với sự an nguy tính mạng của cư dân. Bài học đó - trong hoàn cảnh nào cũng vẫn còn nguyên giá trị… Việc người dân tìm mọi cách để không di dời cho thấy một phần nguyên nhân từ sự bất cập của chính sách, nhưng cùng với đó là sự bảo thủ từ chính tâm lý của người dân… Điều này đã chứng minh sự phức tạp trong công tác cải tạo, nâng cấp các nhà chung cư cũ trên cả nước trong thời gian qua.

Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng. Qua hơn nửa thế kỷ, tất cả các chung cư này đều đã hết niên hạn sử dụng. Trong số đó, có tới 104 chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, có hàng chục công trình đã xuống cấp ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở.

Chương trình tập huấn “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” tại Hà Nội và tiếp theo là TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng để nhằm xây dựng hệ thống hành lang, pháp lý, kỹ thuật giúp cho công tác đánh giá ngày một hoàn thiện trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Từ đó, có thể triển khai kiểm tra đồng loạt đánh giá nhà ở và công trình công cộng cũ tại các đô thị một cách kỹ lưỡng, khoa học.

Quy trình nêu rõ, để đánh giá an toàn kết cấu nhà cho cả hai giai đoạn 1 và 2 cần xem xét phân tích sự nguy hiểm các cấu kiện là độc lập hay có liên quan với nhau. Khi tính nguy hiểm của cấu kiện chỉ mang tính độc lập, thì không tạo thành nguy hiểm cho cả hệ thống; khi nguy hiểm là có liên quan với nhau, thì phải xem xét mức độ nguy hiểm của hệ kết cấu để dự đoán tình trạng kỹ thuật nhà.

Theo kế hoạch, công việc rà soát, thống kê, đánh giá bước 1, phân loại nhà ở và công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực sẽ được hoàn thành trước 31/12/2106. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hiện trạng, thống kê đánh giá về mức độ an toàn chịu lực với các công trình trên địa bàn Hà Nội bao gồm: nhà chung cư xây dựng trước năm 1994 (trừ các công trình tái định cư do Cty TNHH MTV Quản lý Nhà và Phát triển nhà Hà Nội quản lý), nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn.

Anh Thư (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.