Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục hỏng hóc, có nguy cơ mất an toàn; còn việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tòa nhà tái định cư lại không thường xuyên, thậm chí bị bỏ mặc. Trong khi đó, kinh phí bảo trì không có, hoặc có thì cư dân cũng không được quản lý và sử dụng là một trong những bất cập lớn của nhà tái định cư hiện nay.
“Sống trong sợ hãi”
Khoảng 22h ngày 12/8 vừa qua, người dân sống tại chung cư N5, khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) hốt hoảng khi phát hiện sàn tầng 1 bị sập với diện tích gần 20m2, ngay lối ra vào tòa nhà. Sau đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã đến kiểm tra và chỉ đạo xử lý, làm lại sàn cho cư dân, dự kiến hết tuần này sẽ hoàn thành.
Sàn tầng 1 chung cư N5 Đồng Tàu đã được sửa chữa lại sau vụ sập
Theo người dân, việc sửa chữa sự cố sập sàn vừa qua chỉ giải quyết được một phần, vì toàn bộ tầng 1 của tòa nhà cũng đang trong tình trạng lún sụt tương tự, chỉ chờ đến lúc sập.
Ông Trần Xuân Khang, người dân đang ở tòa nhà N5 ngán ngẩm nói: “Hiện nay nó đang võng xuống, rồi cũng có ngày sẽ sập. Tình trạng cũng y như mặt tiền bên kia. Đã sửa chữa 2 lần rồi, tòa nhà tự bỏ tiền ra sửa nhưng cuối cùng vẫn thế. Phí bảo trì 2% thì dân cũng không biết là đang nằm ở đâu”.
Xuống cấp, nhếch nhác, thậm chí nguy hiểm là tình trạng chung của nhiều tòa nhà tái định cư ở Hà Nội, điển hình là khu tái định cư Đồng Tàu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy)… Nhiều tòa nhà tái định cư trở thành “thảm họa”, ám ảnh hàng nghìn người dân vì tình trạng sụt lún, chân đế nứt toác, tường nghiêng lệch, rác thải bủa vây...
Nhiều vết nứt ở chân đế các tòa nhà khu tái định cư Đồng Tàu
Sau 11 năm đưa vào sử dụng, hiện nhiều hạng mục của nhà chung cư A1 Đền Lừ đã xuống cấp, nhất là khối nhà thương mại, thậm chí kết cấu đã bị lệch rời khỏi vị trí xây dựng ban đầu, lộ vết nứt toác nguy hiểm. Khoảng 2 năm nay, các đơn vị thuê kinh doanh đều phải dời đi, đơn vị quản lý tòa nhà đã quây tôn làm rào chắn xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Phê, Tổ trưởng Tổ 84 nhà A1 lo ngại, khối nhà này ngày một nghiêng, kéo theo một số cột trụ, hộp kỹ thuật của tòa nhà cũng có xu hướng nghiêng theo. Bà Phê bức xúc, tòa nhà không có tiền bảo trì do người dân về ở trước khi Luật Xây dựng năm 2005 có hiệu lực, nên không được duy tu, bảo dưỡng, thang máy hỏng hóc liên tục cũng không có tiền để sửa chữa.
Ai chịu trách nhiệm bảo trì?
Không có kinh phí bảo trì, hoặc có nhưng quỹ bảo trì lại do đơn vị quản lý tòa nhà quản lý, nên người dân tái định cư chỉ biết hết phản ánh lại viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng sửa chữa mỗi khi có sự cố hỏng hóc. Kêu mãi cũng không được sửa, nhiều người dân tái định cư phải thốt lên: “ở nhà mình mà cứ như đi ở nhờ”. Nhiều tòa nhà tái định cư chưa thành lập được Ban Quản trị, mặc dù đã đưa vào sử dụng cả chục năm nay.
Ông Trần Thắng, Trưởng Phòng tái định cư, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý gần 160 tòa nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội cho biết, đối với các tòa nhà chưa có Ban Quản trị, công ty mở tài khoản bảo trì cho từng tòa, khi sử dụng đều lấy ý kiến của các hộ dân.
Một số kết cấu của khối nhà thương mại tòa A1 Đền Lừ lệch khỏi vị trí ban đầu
Nhà A1 khu tái định cư Đền Lừ bị rác bủa vây
Về nguyên nhân nhiều nhà tái định cư chưa có Ban Quản trị, ông Trần Thắng cho biết: “Nguyên nhân là khi thành lập thì Ban Quản trị sẽ phải làm hết công tác quản lý, vận hành của tòa nhà đó. Hiện nay, các tòa nhà tái định cư thì kinh phí bảo trì 2% là thấp, không như nhà thương mại, thậm chí có những tòa nhà không có hoặc có nhưng rất ít. Theo quy định, khi tòa nhà không có kinh phí bảo trì hoặc không đủ thì khi phát sinh sửa chữa, sự cố thì các chủ sở hữu phải đóng góp kinh phí. Ban Quản trị được thành lập thì họ phải thực hiện việc này. Cho nên người dân không thiết tha gì với việc thành lập Ban Quản trị, vì họ phải thực hiện những việc rất khó”.
Ông Trần Thắng cũng cho biết, Công ty cùng các cơ quan chức năng đã có kiến nghị lên thành phố cho phép sử dụng một phần ngân sách để bảo trì các tòa nhà tái định cư không có kinh phí bảo trì, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Như trường hợp của khối thương mại nhà A1 Đền Lừ, chủ trương sửa chữa đã có nhưng chưa biết bao giờ mới thực hiện được vì liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề kinh phí…
Còn theo người dân tòa nhà A1, trước đây khi cho thuê toàn bộ diện tích khối thương mại này, tiền thuê nhà đều do đơn vị quản lý thu và việc sử dụng thế nào, người dân không được biết!
Bên cạnh đó, tại các tòa nhà có kinh phí bảo trì 2%, việc sử dụng có thực sự minh bạch, công khai và hiệu quả hay không vẫn còn là dấu hỏi. Không ít người dân tái định cư phản ánh mong muốn và đề nghị được thành lập Ban Quản trị, nhưng phía đơn vị quản lý tòa nhà lấy nhiều lý do, khiến sau nhiều năm họ vẫn không thành lập được, đồng nghĩa với việc kinh phí bảo trì không được chuyển lại cho cư dân quản lý.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc sửa chữa, bảo trì tòa nhà phải do người dân tự thực hiện mới hiệu quả. Do đó, cần có giải pháp nhanh chóng thành lập Ban Quản trị các tòa nhà rồi bàn giao kinh phí bảo trì cũng như quyền quản lý cho cư dân tái định cư.
Theo người dân nhà A1 Đền Lừ, khối nhà thương mại bị nghiêng kéo theo một số cột, hộp kỹ thuật của tòa nhà có xu hướng nghiêng theo
“Nhà tái định cư là kiểu nhà bao cấp, xây chất lượng xấu tốt thế nào vẫn tiêu thụ được, không giống như loại nhà thương mại xây xấu không ai mua. Trong tình hình hiện nay, cơ quan phụ trách nhà tái định cư phải có trách nhiệm nâng cấp, sửa chữa nhà rồi ban giao lại cho các chủ sở hữu quản lý. Nhưng trước khi bàn giao phải sửa chữa cho tốt, đạt yêu cầu, chứ vẫn đang hư hỏng giao lại thì không được” – ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Những bất cập của nhà tái định cư đang khiến người dân “quay lưng” với loại nhà này. Chủ trương của thành phố Hà Nội là đời sống người dân sau khi tái định cư tại nơi ở mới phải cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ vẫn chưa thành hiện thực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không nên tiếp tục xây dựng loại nhà tái định cư, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ đền bù đúng giá thị trường cho người dân và để họ tự tìm mua nhà phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của mình./.