Tại Báo cáo công tác đấu thầu năm 2016, thông tin về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cho rằng, “cần thiết phải có cơ chế đặc thù trong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án”. Vậy lý do cần cơ chế đặc thù là gì và liệu có thuyết phục?
Việc rút ngắn thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư phụ thuộc vào từng loại dự án cũng như khả năng tổ chức thực hiện của bên mời thầu. Ảnh: Tường Lâm
Cần thiết có “cơ chế đặc thù”?
Danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020 (Đợt 1) của Hà Nội hiện có 52 dự án thuộc 3 lĩnh vực, với tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến khoảng 338.729 tỷ đồng. Cụ thể, có 35 dự án hạ tầng kỹ thuật; 12 dự án nước sạch nông thôn; 5 dự án y tế.
Được biết, các dự án chủ yếu đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình UBND Thành phố phê duyệt làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, Hà Nội cho biết, có một số vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án PPP.
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án PPP phải qua nhiều trình tự thủ tục và thời gian kéo dài.
Đặc biệt là khâu thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, nếu thực hiện theo hình thức quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (NĐ30) sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tiến độ. Vì vậy, cần phải có cơ chế chế đặc thù trong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án kết cấu hạ tầng đô thị quan trọng để rút ngắn thời gian chuẩn bị, sớm triển khai đầu tư và đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội mới đây cũng cho biết, UBND TP. Hà Nội đã nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn một số dự án PPP cần tập trung triển khai sớm và cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư các dự án này.
Mấu chốt ở thời gian trong đấu thầu
Liên quan đến cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, câu chuyện đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện một số dự án từng xảy ra trong thời gian qua và lý do thường là “rút ngắn thời gian”. Và trên thực tế, để áp dụng quy định một cách có hiệu quả, trước hết, cần hiểu đúng về thời gian trong đấu thầu, mà cụ thể ở đây là thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Vị chuyên gia trên nhấn mạnh, Luật Đấu thầu 2013 lần đầu tiên quy định về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án PPP và nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất có thể được lựa chọn thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
NĐ30 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư quy định các khoảng thời gian tối thiểu dành cho phần chuẩn bị hồ sơ của nhà đầu tư và các khoảng thời gian tối đa dành cho phần công việc của cơ quan nhà nước. “Việc rút ngắn thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư phụ thuộc vào tính chất, quy mô, đặc điểm của từng loại dự án cũng như khả năng tổ chức thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu”, vị chuyên gia khẳng định.
Chuyên gia trên cho biết thêm, về quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, nhiều quốc gia như Anh, Australia, Ấn Độ, Philippines, Nam Phi, Canada, Ireland… đều có các bước như mời sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, đàm phán và ký hợp đồng. Đơn cử như Australia quy định quá trình lựa chọn nhà đầu tư kéo dài từ 16 - 19 tháng.
Thực tế, có dự án mất 25 tháng mới đến bước đóng tài chính do thêm 6 tháng gia hạn thời gian mời thầu và đàm phán kéo dài. Còn theo thông tin của Cục Phát triển ngân sách quốc gia tại Ireland, thời gian đấu thầu dự án PPP kéo dài khoảng 18 tháng.
Trong khi đó, thời gian lựa chọn nhà đầu tư trong NĐ30 (trung bình 18 tháng) thấp hơn nhiều so với thực tiễn triển khai trước đây và tương đương mức trung bình của các nước. Bên cạnh đó, NĐ30 đã đơn giản hóa thủ tục, nội dung và thời gian đối với những dự án PPP nhóm C và dự án sử dụng đất có quy mô đầu tư không quá 120 tỷ đồng, dành cho nhà đầu tư trong nước tham gia (chỉ tối đa 12 tháng).
Chuyên gia trên khẳng định, cùng một quy trình lựa chọn nhà đầu tư, để có thể tổ chức lựa chọn một cách bài bản, lựa chọn được đúng nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án thì đều yêu cầu một khoảng thời gian nhất định.
Trên thực tế, thời gian qua, một số dự án áp dụng “cơ chế đặc thù” hoặc áp dụng chỉ định thầu trước khi NĐ30 có hiệu lực đã không rút ngắn được thời gian thực hiện, thậm chí còn kéo dài thời gian và kéo theo nhiều hệ lụy.
Sau khi được chỉ định, nhiều dự án từ 2 - 3 năm không triển khai được. Thậm chí, có những dự án điện (BOT), việc giao nhà đầu tư (chỉ định) thực hiện dự án được tiến hành nhanh ban đầu nhưng lại mất rất nhiều thời gian để đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Đơn cử như Dự án Điện Mông Dương 2 đàm phán từ cuối 2005 đến 2009 (5 năm) hay Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, đàm phán từ năm 2009 đến 2012 (4 năm).
Thông tin thêm về nguyên nhân đàm phán kéo dài, phía cơ quan chức năng cho biết, là do khi chỉ định thầu, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến việc phải đàm phán nhiều lần. Hệ lụy từ việc này là tổng thời gian lựa chọn nhà đầu tư rất dài.
Thùy Dương (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.