19/09/2015 10:40 AM
Nhà E4, tập thể Đại học Y Hà Nội (phố Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, quận Đống Đa) vốn “nổi tiếng” với hơn 80 đường ống chất thải xả thẳng ra mương suốt hàng chục năm qua, (đã được Báo Gia đình & Xã hội phản ánh từ tháng 8/2013). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi ngày có đường ống nước thải mới.
Sự nhôm nhoam của khu tập thể E4.
Sau 2 năm, đường nước thải vẫn nằm… trên giấy
Còn nhớ khi đó (tháng 8/2013), dự án cống ngầm thay thế mương bị ùn ứ nước thải tại đây đã được bàn bạc thống nhất để giải quyết dứt điểm. Biên bản thỏa thuận giữa 3 bên là: Đại diện UBND phường Trung Tự, tổ dân phố 52 (cư dân tập thể nhà E4) và đơn vị thi công. Theo đó, các bên đồng ý thực hiện theo hướng: Đơn vị thi công hỗ trợ nhân lực và thực hiện thiết kế lại các đường ống thải sao cho hợp lý và nối vào cống ngầm dưới lòng mương; Các hộ dân sẽ chịu chi phí tiền nguyên vật liệu làm ống chứa chất thải. Lúc đó, tất cả mọi người trong khu nhà đều mừng thầm rằng nước thải từ các nhà vệ sinh sẽ có cống ngầm tống đi.
Thế nhưng, hơn hai năm sau chúng tôi quay lại khu tập thể có hơn 100 hộ dân đang sinh sống này, cống ngầm vẫn chưa được xây. Nước thải, trong đó có cả phân người vẫn chảy trên đầu người dân rồi xả thẳng ra con mương chỉ cách cánh cửa những hộ gia đình ở tầng 1 vài bước chân. Ngôi nhà 4 tầng xập xệ, xuống cấp, nhôm nhoam bởi “chuồng cọp” chỗ thò ra, nơi thụt vào. Lối đi vào khu tập thể, rác thải được tập kết chất cao từng đống.
Nhà E4, Khu tập thể Đại học Y Hà Nội được xây dựng từ năm 1974 với mục đích ban đầu là phục vụ sinh viên nên hầu hết các căn phòng đều có diện tích rất nhỏ (khoảng hơn 10m2), không bếp, không khu vệ sinh riêng.
Từ khi được chuyển thành khu nhà ở cho cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội, hơn 100 hộ dân tại đây đã cơi nới, dựng thêm "chuồng cọp" để làm nhà vệ sinh, bếp, phòng tắm. Điều đáng lo ngại, là những nhà vệ sinh dựng nên được đặt ống thải nhựa chảy thẳng ra mương phía mặt tiền khu tập thể. “Nhà tầng 4 thì ống dẫn nước thải, có cả phân người phải đi qua tầng 3, tầng 2, rồi trườn lên mái hiên tầng 1 mới đổ xuống mương. Mùi hôi thối nồng nặc”, chị Hiền bán bún đầu ở đầu khu tập thể cho biết.
Đường ống nước, nhỏ là nước máy, ống to chứa nước thải được đi cùng một lối với nhau
Do cơi nới nên hệ thống thoát nước của các hộ đều không được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của ngôi nhà mà hầu hết đều dẫn nước thải qua đường ống nhựa lộ thiên từ "chuồng cọp" của mỗi nhà, bắc qua đầu những hộ tầng dưới khiến mùi hôi thối lúc nào cũng túc trực trong nhà.
Ở khu tập thể E4 này, một câu chuyện đã thành “kinh điển” mà người dân nơi đây thỉnh thoảng vẫn kể lại là: Có chị mua đồng nát vừa thu mua vỏ bia ở đầu ngõ thấy có ống nước chảy tong tong từ trên tầng hai xuống, chị liền chìa tay ra rửa. Chị mới xoa xoa được vài cái thì đôi bàn tay hứng trọn một đống phân. Hoảng quá, chị ta hét toáng lên rồi nôn ọe. Chị đâu biết đó là… ống thoát nhà vệ sinh.
Hàng trăm hộ dân sống cùng hôi thối, ô nhiễm
Mặt tiền khu tập thể ngập trong rác. Ảnh: H.P
Sau 2 năm, chúng tôi lại tìm gặp bà Phạm Thị Thu, nguyên Tổ phó tổ dân phố số 52 (khu tập thể E4), bà Thu than thở: “Trước đây, hàng trăm người dân E4 khó cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Bây giờ, chúng tôi đã được dùng nước máy nhưng “đầu ra” vẫn chưa có lối thoát. Dân vẫn phải “đi” thẳng ra mương. Vài năm qua, cũng họp nhiều, bàn nhiều, thậm chí được hứa hẹn khắc phục nhiều nhưng đến bây giờ phân tươi vẫn dềnh lên mỗi khi mưa to. Không có điều kiện nên cứ phải ở mãi thế này buồn và nản lắm”.
Mùi hôi thối bốc lên từ khu nhà này khiến nơi đây trở thành điểm tập kết của muỗi, ruồi, nhặng... Người dân sinh sống tại đây đã phải sống chung với không gian ô nhiễm suốt cả chục năm trời. Nhiều nhà khi ăn cơm phải đóng cửa, ngồi trong nhà phải đeo khẩu trang. Bà Thu cho biết, các hộ dân đã kêu nhiều lần lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay, mọi bất cập không những không được giải quyết mà ngày càng nặng nề hơn.
Bà Thu, ông Hoan là những người sống ở khu tập thể này từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nhưng khi nói về việc khắc phục những bất cập, họ đều không hy vọng nhiều. Mấy hôm nay, bà Thu đưa cháu từ trong quê Quảng Bình ra chữa bệnh. “Nhà thì chật chội chỉ hơn 10m2 nhưng suốt ngày để cháu ngồi trong nhà vì ra ngoài sợ ô nhiễm. Cháu đã bệnh rồi gặp phải môi trường bẩn như thế kia càng bệnh hơn”, bà Thu chia sẻ.
Chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy hàng trăm đường ống nước bò khắp bề mặt tòa nhà. Bà Thu đứng chỉ: “Đây là ống nước toilet nhà tầng 3, đây là đường nước máy của nhà tầng 4…”. Hàng chục đường ống to nhỏ được bó chung lại với nhau, các đường ống chạy ngang, dọc dày đặc như ma trận. Những đồng hồ nước cũng được đặt nằm ngổn ngang ngay lối lên cầu thang chung, nhiều chiếc nắp đã han rỉ, cái không còn nắp, cái nằm vùi dưới lớp rác thải. Bà Thu bảo, phía dưới những đồng hồ nước kia là hố ga của tòa nhà. Ngày mưa, phân tươi vẫn dềnh lên, những nhà ở tầng 1 lĩnh đủ. Các nhà tầng 2 trở lên không có việc gì thì không ra khỏi nhà, nếu ai ra ngoài phải có ủng đi.
Thật đáng buồn khi giữa Thủ đô, hàng trăm người dân đang phải sống khổ sở trong một khu tập thể xuống cấp. Đáng thất vọng hơn khi nhiều lần họ kêu cứu nhưng không thấu tới ai cả?!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây nhà E4 có 60 phòng nhưng do cư dân ngày một đông, sau khi chia nhỏ và cơi nới, hiện tại khu nhà là nơi sinh sống của hơn 130 hộ dân. Trong những căn nhà 12m2 ấy, rất nhiều nhà không có giường. Nhà có giường thì phải trèo qua để vào nhà. Không có bếp nên hầu hết các hộ dân phải nấu nướng tại không gian được cơi nới ở hành lang. Có những nhà, tổng diện tích cả vệ sinh, nấu nướng và tắm rửa chỉ vẻn vẹn 2m2.
Hà Phương (GĐ&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.