Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai.
Theo đó, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.
Trước yêu cầu đó, nhìn vào thực tại trên địa bàn Hà Nội đã và đang tồn tại nhiều dự án đã được quay tôn nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện.
Một trong những diện tích khu đất của dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đắp chiếu hơn chục năm qua được làm bãi đỗ xe....
Đơn cử, ở địa bàn quận Hoàng Mai hiện nhiều dự án “ôm đất” cả chục năm trời không triển khai gây lãng phí như dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt với khoảng 35 ha được thành phố giao cho Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 10/8/2004 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ -UBND thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao cho Tổng công ty Licogi tổ chức điều tra lập phương án đến bù giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Dự án được UBND thành phố chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn chục năm dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Đáng nói, khu đất chưa được thực hiện dự án đã bị “xẻ thịt” cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng… khiến người dân bức xúc.
Vài năm nay, dự án D’. San Raffles - Hai Bà Trưng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn được quây rào kín và tiến độ xây dựng cũng như thời điểm hoàn thành dự án vẫn là một dấu hỏi lớn.
Hay như dự án D’. San Raffles - Hai Bà Trưng là dự án có vị trí đắc địa nhất của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại trung tâm Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100m. Dự án này có 2 mặt tiền tại Hàng Bài và Hai Bà Trưng, đối diện trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza nổi tiếng từng được chủ đầu tư giới thiệu sẽ xây trung tâm thương mại và căn hộ đẳng cấp nhất từ trước tới nay.
Dự án này từng làm nóng dư luận khi chủ đầu tư chấp nhận đền bù giải phóng mặt bằng cho một số trường hợp với mức giá cao nhất, 1 tỷ đồng/m2. Đa số hộ gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án được đền bù với mức từ 500 triệu đồng/m2.
Vào tháng 8/2013, chủ đầu tư đã tiến hành động thổ với cam kết sẽ hoàn thành công trình trong năm 2014. Tuy nhiên cho đến nay đã sang năm 2018, dự án vẫn được quây rào kín và tiến độ xây dựng cũng như thời điểm hoàn thành dự án vẫn là một dấu hỏi lớn.
Ngoài ra, Hà Nội còn khá nhiều khu đất dự án cũng trong tình trạng nhiều năm không triển khai như khu đất rộng 28ha đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia thuộc phường Yên Hòa (Cầu Giấy) và Mễ Trì (Nam Từ Liêm), sau 10 năm vẫn “đắp chiếu”; Dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), quy mô 700 giường bệnh chất lượng cao, giờ vẫn là bãi đất hoang dù đã chậm gần 8 năm so với tiến độ…
Chính vì thế, khi trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam rất hoan nghênh khi lãnh đạo Hà Nội có quyết tâm yêu cầu rà soát, xử lý hàng loạt dự án “ôm” đất suốt nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng lưu ý thành phố cần tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc “ôm” đất nhiều năm mà không thực hiện là gì để có phương án giải quyết hợp lý nhất.
Đặc biệt, theo ông Liêm, thành phố cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm” đất đó thì sẽ làm gì, tránh lặp lại “vết xe đổ”, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.