TP Hà Nội đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA cho các dự án đầu tư phương tiện vận tải công cộng.

Hà Nội đang nỗ lực phát triển dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, từ chất lượng phương tiện, nhà chờ đến khoảng cách tiếp cận điểm dừng để thu hút người dân tham gia, giảm ùn tắc giao thông

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201 phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2021-2030.

Theo kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận theo các chiến lược, quy hoạch; kết nối đến các khu vực tập trung dân cư, các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.

“Việc phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bảo đảm mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, mục tiêu đến năm 2030 đạt tiêu chí trong phạm vi 500m, người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt đạt tỷ lệ khoảng 80-90% tại khu vực trung tâm thành phố", văn bản nêu.

Cũng tại Kế hoạch được phê duyệt, UBND TP Hà Nội nêu rõ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về mức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị thực hiện đầu tư phương tiện tham gia cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định.

Đặc biệt, thành phố sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vay lại vốn ODA cho các dự án đầu tư mua sắm phương tiện công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt tiêu chuẩn EURO 5, sử dụng năng lượng sạch, động cơ thân thiện môi trường.

Đồng thời, đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối, trung chuyển; tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải,…

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, mạng lưới xe buýt của Hà Nội gồm 127 tuyến, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%, 446/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 76,4%), 190/283 các trường THCS, THPT (đạt 67%), 27/27 các khu công nghiệp (đạt 100%), 30/30 các khu đô thị (đạt 100%), kết nối với 7/9 tỉnh thành lân cận, đáp ứng hơn 17% nhu cầu đi lại của người dân.

Một thống kê khác của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 3.800 điểm dừng xe buýt (trong đó 361 điểm dừng xe buýt có nhà chờ), phục vụ hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. Trung bình, cứ 1,1km2 lại có một điểm dừng.

Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, tại ngoại thành, con số này thấp hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 30%.

Nam Khánh (Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.