Ngày 11-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ để góp ý về “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.
Nhiều chung cư hư hại, xuống cấp nghiêm trọng
Theo báo cáo, hiện Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ. Trong đó, có 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha, 306 chung cư cũ độc lập được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.
Các chung cư xuống cấp, nguy hiểm tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử; hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế…)...
Khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng
Đa phần diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ dưới 30m2, 30-50m2/căn. Tình trạng quá tải số người ở tại các căn hộ không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng.
Nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa, ảnh hưởng kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đồng thời, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm cho người dân.
Về tình trạng xuống cấp, nguy hiểm đối với các chung cư, qua rà soát có 42 chung cư mức 1; 1.449 chung cư mức 2; 88 chung cư mức 3; 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Qua kiểm định thực tế 401 chung cư thì có 148 chung cư ở cấp độ B; 245 chung cư cấp C và 8 chung cư cấp D (cấp độ xuống cấp, nguy hiểm cao nhất theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng).
Lên lộ trình cải tạo chung cư
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ cho hay hiện có 2/8 chung cư cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ.
Ngoài ra có 18 dự án đã hoàn thành cải tạo đưa vào sử dụng. Hiện nay, 14 dự án đang triển khai; các chung cư cũ còn lại chậm triển khai hoặc chưa có nhà đầu tư đề xuất.
Trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về rà soát, kiểm định và lập Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư; quy hoạch; lựa chọn nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường....
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ của TP ngày 11-5
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc quá trình triển khai thực hiện, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm.
Trong đó, từ năm 2021-2022, thực hiện kiểm định 126 chung cư có tình trạng kỹ thuật mức 2 đã được TP chấp thuận; rà soát, kiểm định 19 khu chung cư cũ đã báo cáo ý tưởng quy hoạch (có nhà nguy hiểm cấp D, cấp C cận D).
Từ năm 2021-2025: tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định chi tiết đối với toàn bộ các chung cư còn lại.
Phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức thực hiện lựa chọn đơn vị kiểm định chung cư cũ độc lập, đơn lẻ trên địa bàn theo kế hoạch; gửi kết quả về Sở Xây dựng để tổng hợp, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch.
Địa phương ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình dự án đầu tư; Kế hoạch và bố trí nguồn vốn; lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, ưu đãi đầu tư...
Các ý kiến góp ý tại cuộc họp sẽ được tập hợp để báo cáo Thường trực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện đề án. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội sẽ đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cải tạo chung cư cũ.
-
Hà Nội sắp cải tạo 3 khu chung cư cũ toạ lạc trên ‘đất vàng’ trung tâm
Hà Nội đề xuất cải tạo, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh.