Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2020, công nghiệp sản xuất VLXD của Hà Nội phải đảm bảo là ngành công nghiệp thân thiện môi trường, hướng tới nền công nghiệp xanh, trong đó đẩy mạnh sản xuất các loại VLXD không nung, xử lý và loại bỏ dần các công nghệ sản xuất theo phương pháp truyền thống tiêu tốn nhiêu liệu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường. Đối với gạch thủ công, ngừng sản xuất vào năm 2012. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn đến 2015, tốc độ tăng gia strị sản xuất công nghiệp VLXD đạt 17%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 16%. Đến 2020, ngành này sẽ đóng góp cho ngân sách TP khoảng 3.800 tỷ đồng. Để thực hiện những dự án đầu tư theo quy hoạch, dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp VLXD trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là hơn 9.400 tỷ đồng, từ 2016-2020 là hơn 3.000 tỷ đồng.
Quy hoạch cũng đã đưa ra phương hướng di dời một số cơ sở sản xuất trong giai đoạn từ nay đến 2015 gồm 12 đơn vị trong đó có Công ty CP gạch ngói Thạc Bàn, Công ty CP bê tông và xây dựng Thịnh Liệt… Trong giai đoạn 2016-2020 di chuyển 5 cơ sở, trong đó có Công ty CP Việt Mỹ, Công ty CP Viglacera Đông Anh…
Việc công bố quy hoạch sẽ là căn cứ cho các ngành, các nhà đầu tư, các DN sản xuất VLXD của TP lập các dự án đầu tư, chuẩn bị lực lượng, tìm nguồn vốn để triển khai các dự án phù hợp và hiệu quả, đồng thời nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này./.