Đến thời điểm này, chỉ có dự án 143 Trần Phú – Hà Đông hoàn thiện thủ tục xin chuyển đổi
Kỳ vọng nhiều, tiến độ chậm
Thông tư 02/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ được kỳ vọng như một lối thoát cho nhiều DN bất động sản trong bối cảnh tồn kho căn hộ tăng cao. Tuy nhiên, 1 tháng sau ngày Thông tư có hiệu lực, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa có dự án nào chính thức được chuyển đổi.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi 3 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, gồm khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm, khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà số 143 Trần Phú (Hà Đông) và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long. Ngoài 3 dự án này, 12 dự án khác cũng đã đăng ký xin được chuyển đổi. Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ngoài 1.000 căn nhà thu nhập thấp tại Dự án Khu đô thị (KĐT) Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) cũng xin công bố chuyển đổi dự án Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai). CTCP Vinaconex 2 xin chuyển đổi một số tòa chung cư thương mại tại Dự án KĐT mới Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội. Chủ đầu tư Dự án nhà số 352 Giải Phóng xin chuyển sang nhà thu nhập thấp; chủ đầu tư Dự án tại số 486 Ngọc Hồi (Thanh Trì và chủ đầu tư ô CT8 KĐT Nam An Khánh (Hoài Đức) xin chuyển sang nhà xã hội…
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2013, dự kiến, Hà Nội sẽ cấp phép chuyển đổi cho khoảng 10 dự án, trong đó, quý II cố gắng khởi công 5 - 6 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có Dự án khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà số 143 Trần Phú (Hà Đông) đã hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị được phê duyệt chuyển đổi.
Vướng nhiều quy định
Là người trực tiếp nhận hồ sơ xin chuyển đổi tại Sở Xây dựng Hà Nội, ông Đạm cho biết, qua tiếp nhận và xem xét hồ sơ bước đầu cho thấy, các dự án trên còn thiếu nhiều hồ sơ liên quan. Theo ông Đạm, tuy Thông tư 02 không yêu cầu phải phê duyệt lại quy hoạch 1/500 nếu dự án xin chuyển đổi không làm tăng diện tích xây dựng, nhưng vẫn yêu cầu phải “bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội”. Do vậy, việc tăng số lượng căn hộ sẽ làm tăng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật của dự án như cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy hay như các hạ tầng xã hội khác gồm dịch vụ y tế, nhà trẻ, nơi sinh hoạt công cộng… phải được điều chỉnh theo tiêu chuẩn này.
Đặc biệt, với các dự án đã huy động vốn của khách hàng trước đây, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với khách hàng và có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng thì Tổ công tác mới xem xét tiếp. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này không dễ đạt được trong bối cảnh thị trường khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng từ lâu đã ở thế đối đầu với nhau.
Ví dụ như tại Dự án AZ Thăng Long (có tên khác là Dự án Bright City) tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư, ngay sau khi có thông tin xin chuyển đổi đã bị khách hàng phản ứng gay gắt. Báo ĐTCK đã nhiều lần nhận được đơn của khách hàng Nguyễn Văn Quân (thường trú tại Dinh Lai, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) phản ánh việc Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long xin chuyển đổi dự án mà không hề xin ý kiến của khách hàng. Khi hay tin các cơ quan chức năng của Hà Nội tiến hành làm thủ tục chuyển đổi cho dự án này, anh Quân đã làm đơn kêu cứu gửi rất nhiều cơ quan ban ngành và lãnh đạo TP. Hà Nội, đề nghị ngừng việc chuyển đổi Dự án AZ Thăng Long sang nhà ở xã hội…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đạm cho biết, Sở Xây dựng đã có văn bản thông báo với chủ đầu tư cũng như Dự án AZ Thăng Long tạm dừng việc xem xét chuyển đổi, với lý do dự án này đã huy động vốn nhưng chưa thỏa thuận được với khách hàng về việc chuyển đổi.
“Khi nào chủ đầu tư thỏa thuận xong với khách hàng và đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ xem xét tiếp”, ông Đạm nói.