Hôm nay, 15-5, quận Ba Đình và phường Điện Biên đã chính thức cho tháo dỡ giai đoạn 2, với tầng 18, tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Nam (đơn vị được chính quyền thuê phá dỡ nhà 8B Lê Trực) đã chính thức triển khai việc phá dỡ sau nhiều ngày lắp đặt tháp cẩu, di dời một số thiết bị trong tòa nhà.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 5-2020 đơn vị tháo dỡ sẽ phá bỏ phần tường trong, tháo kính mặt tiền, lắp đặt giàn giáo; cắt bỏ một phần ô sàn (mái trên của tầng 18, chỉ để lại phần khung cột)… Trong ngày 15-5 sẽ hoàn thành phá bỏ phần tường trong tòa nhà, ngày 16-5 sẽ tháo bỏ phần kính mặt tiền… Sau khi phá dỡ xong phần tường, kính, đầu tháng 6 sẽ cắt các ô sàn tiếp theo. Dự kiến việc tháo dỡ tầng 18 của tòa nhà sẽ kéo dài bốn tháng, chi phí vào khoảng 17 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành tháo dỡ tầng 18, UBND quận Ba Đình sẽ đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo đối với tòa nhà.

Chính thức tháo dỡ tầng 18 công trình 8B Lê Trực.

“Việc phá dỡ tòa nhà đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ theo phương án phá dỡ đã được UBND quận phê duyệt ngày 23-4. Phương án này cũng đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận” - ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, phía UBND quận Ba Đình đã giao UBND phường Điện Biện đã cung cấp các hồ sơ, văn bản liên quan về việc phá dỡ tòa nhà theo quy định. Ngày 7-5, lực lượng cưỡng chế tòa nhà cũng đã tiến hành kiểm kê, ghi biên bản để chuyển một số tài sản, vật dụng của các căn hộ tại tầng 18 để có mặt bằng thi công. Số vật dụng, tài sản này hiện được UBND phường Điện Biên bảo quản. Ngày 12-5, Phòng Đô thị quận Ba Đình và các phòng, ban liên quan cũng đã làm việc với đại diện Công ty cổ phần May Lê Trực (chủ đầu tư tòa nhà) về một số kiến nghị của đơn vị này.

Vào tháng 10-2015, sai phạm về trật tự xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực đã được báo chí phản ảnh, sau đó các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc xử lý. Sau sáu năm xử lý, tòa nhà đã bị cưỡng chế cắt ngọn phần tum thang và tầng 19.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, công trình chỉ được xây 53 m nhưng chủ đầu tư cho xây tới 69 m (vượt chiều cao 16 m, tương đương năm tầng); diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép. Bên cạnh đó, công trình cũng không tiến hành xây giật cấp theo giấy phép xây dựng, cụ thể từ tầng tám (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế; phần đầu hồi phía đông từ độ cao 44 m phải xây lùi 15 m và tại độ cao 50 m phải xây lùi 5,3 m… nhưng chủ đầu tư cho xây thẳng lên mái.

Trọng Phú (PLO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.