Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2013 Hà Nội thu ngân sách được 79.994 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán và bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2012. Về nguyên nhân hụt thu, ông Tưởng cho rằng do tăng trưởng kinh tế khó khăn, trong 8 tháng có tới 6.538 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, thu ngân sách từ khu vực các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội sụt giảm mạnh, chỉ đạt chừng 26% so với kế hoạch.
Thu ngân sách sụt giảm còn do thành phố thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết 02 của Chính phủ với số tiền lên tới 7.924 tỷ đồng.
Bê bết các dự án bất động sản
Bàn về giải pháp cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đặc biệt trong tăng trưởng của thành phố với nguồn thu từ tiền sử dụng đất lên tới khoảng 20% ngân sách. Ông Nam đánh giá cao giải pháp phải tăng cầu cho nhiều thị trường, trong đó có bất động sản để giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Đối với thị trường bất động sản, Hà Nội cần có nhiều biện pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang còn dở dang sớm hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân.
Theo ông Nam, tính đến nay số dự án, số diện tích đất, diện tích nhà của các dự án đang triển khai tại Hà Nội quá lớn, vượt cả quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mà Thủ tướng phê duyệt. Số tiền cần để đầu tư cho 397 dự án đang dở dang lên tới khoảng hơn 900.000 tỷ đồng. Trong khi đó tổng dư nợ bất động sản trong hệ thống ngân hàng hiện mới chỉ 230.000 tỷ đồng. Ông Nam khẳng định, nếu thực hiện tất cả các dự án hiện nay thì cung càng vượt xa cầu và cũng không thể huy động đâu ra nguồn vốn để đầu tư. “Tôi đề nghị thành phố cần mạnh tay dừng hẳn các dự án nhà ở thương mại để ngân hàng có điều kiện tập trung nguồn vốn vào các dự án khả thi”-ông Nam kiến nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó cần tập trung xử lý nợ xấu, xử lý hàng tồn kho, đặc biệt là bất động sản...