11/02/2017 9:46 AM
Hà Nội hiện đang phải đối mặt với nhiều công trình bất động sản nhà ở rơi vào tình trạng nguy hiểm, xuống cấp trầm trọng, đã và đang đe dọa tính mạng của nhiều người dân. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay còn ì ạch, chậm trễ; trong đó, nguồn vốn cũng là một “nút thắt” quan trọng cần được quan tâm tháo gỡ.
Nhiều mối nguy hiểm
Theo đánh giá, các khu chung cư cũ được xây dựng từ năm 1954 - 1990, với kết cấu tường chịu lực và dạng lắp ghép tấm lớn tại hầu hết các khu vực nội thành đều rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Số liệu khảo sát chất lượng nhà ở chung cư cũ của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2016 cho thấy, Hà Nội có khoảng 55% diện tích nhà chung cư cũ có chất lượng kém và có chất lượng nhà ở mức trung bình.
Kết quả kiểm định các chung cư cũ năm 2015 có 4 công trình chung cư ở mức nguy hiểm cấp độ D, 95 chung cư ở mức C và 101 chung cư ở mức B. Còn đầu năm 2016 có thêm 62 chung cư có biểu hiện lún và xuống cấp nghiêm trọng. Một số khu nhà chung cư cũ đặc biệt nguy hiểm như khu P3 Kim Liên, E6, E7 Quỳnh Mai, B6 Giảng Võ...
Cần xây dựng lòng tin trong cải tạo chung cư cũ
Có thể thấy, tái thiết đô thị, trong đó, có cải tạo chung cư cũ là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, 10 năm qua, công tác cải tạo chung cư cũ vẫn còn rất chậm. Tại Hà Nội, mới chỉ cải tạo được 8 chung cư cũ (14 tòa nhà) được xây mới, đưa vào sử dụng; 5 chung cư cũ đã triển khai phá dỡ đưa vào xây mới (B6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 17 nhà gỗ phường Chương Dương, 97-99 Láng Hạ, 26 Liễu Giai); 4 chung cư nguy hiểm đang tổ chức di dời. Một trong những nguyên nhân khiến việc cải tạo chung cư cũ còn chậm là do thiếu vốn.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tổng lượng vốn đầu tư cải tạo các chung cư này là rất lớn, trong khi vốn ngân sách dự kiến cho công tác cải tạo còn nhiều hạn chế nên rất cần có chiến lược huy động vốn cho công tác này.
Nhiệm vụ căn bản, cốt lõi của hoạt động thu hút vốn đầu tư cho phát triển phân khúc này chính là dựa vào nội lực từ nguồn lực to lớn, đó chính là nguồn lực nội bộ người dân. Để người dân và các cư dân tại trong và ngoài chung cư cũ nhận thức trách nhiệm trong công tác cải tạo và xây mới chung cư của chính họ thì mới có khả năng triển khai thực hiện dự án một cách hợp tình, hợp lý và phù hợp với thời đại.
Ông Vũ Đức Bảo cho rằng, cần tạo lòng tin cho người dân và các chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần phải tham gia một cách trực tiếp vào quá trình đầu tư xây dựng chung cư cũ, tránh tình trạng người dân di dời rồi và đóng tiền tăng thêm diện tích mà chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.
Đối với việc tháo dỡ và di dời của các hộ gia đình đôi khi gặp phải sự phản đối bởi những khó khăn sau khi tái định cư. Do đó, cần phải có biện pháp tổ chức đối thoại với người dân để tìm hiểu mong muốn và vấn đề của họ, đồng thời, cần xác định việc di dời này là trách nhiệm đảm bảo an toàn cũng như hướng đến sự ổn định, nơi ở tốt hơn cho người dân khi phải di dời tại những vị trí mới tốt nhất có thể. Đồng thời, khuyến khích người dân bỏ tiền để mua các căn hộ dưới hình thức cho vay góp vốn với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài hạn để người dân yên tâm góp vốn đầu tư.
Với diện tích khu chung cư nằm tại vị trí trung tâm cần xác định diện tích quy hoạch lại để thực hiện đấu giá đất công khai để tạo nguồn thu cho tái đầu tư phát triển các khu vực; tiến hành triển khai nghiên cứu xây dựng thiết lập các quỹ đầu tư nhà ở của thành phố để có thể chủ động đầu tư, xây dựng tái thiết lại thành phố một cách hợp lý.
“Thu hút vốn là vấn đề khó nhưng khi cùng đồng lòng trong vấn đề đầu tư và có trách nhiệm trong triển khai thực hiện thì việc người dân bỏ vốn đầu tư xây mới là có khả thi. Cần xây dựng lòng tin trong cải tạo chung cư cũ thông qua việc thực hiện triệt để các bước công việc theo đúng tiến độ, sẽ có khả năng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất khu vực trung tâm. Đồng thời, tạo nguồn thu thông qua du lịch, dịch vụ thương mại trong tương lai”, ông Bảo nhận định.
Tuấn Ngọc (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.