Theo TTYTDP thành phố, hiện Hà Nội có 137 cơ sở cấp nước tập trung, trong đó có 45 cơ sở cấp nước công suất từ 1000m3/ngày đêm trở lên và 92 cơ sở cấp nước công suất dưới 1000m3/ngày đêm cung cấp cho 51% hộ gia đình sử dụng, 49% hộ gia đình còn lại sử dụng nguồn nước tự khai thác.
Cán bộ TTYTDP Hà Nội lấy mẫu nước ở bể nước chung cư để xét nghiệm (ảnh minh họa)
Tổng số lượt kiểm tra các cơ sở cấp nước có công suất từ 1000m3/ngày đêm trở lên trong 4 tháng đầu năm là 179 lượt, qua kiểm tra các đoàn đều lấy mẫu nước gửi xét nghiệm. Kết quả, xét nghiệm chỉ tiêu A trong các mẫu nước đều đạt 100%; về vệ sinh có 29 lượt giám sát là các cơ sở chưa đảm bảo về vệ sinh, chủ yếu là giàn mưa, tháp làm thoáng, bể lắng còn rêu, bể chứa thiếu khóa an toàn…
Ngoài ra, kết quả 179 mẫu nước được xét nghiệm có 7 mẫu không đạt chỉ tiêu về lý học (3,9%), 38 mẫu không đạt chỉ tiêu về hóa học (21,2%), vi sinh vật có 5 mẫu không đạt chiếm 2,8%. Kết quả xét nghiệm 32 mẫu nước cuối nguồn của nhà máy nước Hà Đông, Sơn Tây, Quang Minh có 8 mẫu không đạt chỉ tiêu về hóa học (25%).
TTYTDP thành phố cũng đã giám sát tại 31 nhà chung cư, tập thể, trong đó có 20 đơn vị đảm bảo vệ sinh, còn lại 11 đơn vị không đạt vệ sinh chung, chủ yếu là bể ngầm, bể mái các tòa nhà thiếu khóa an toàn, thực hiện vệ sinh nóc bể, nắp bể chưa thường xuyên.
Trong số 118 mẫu nước tại các khu chung cư có 67 mẫu (56,8%) đạt quy chuẩn kỹ thuật; 51 mẫu (43,2%) không đạt quy chuẩn, trong đó có 23 mẫu không đạt quy chuẩn về hóa học (chỉ tiêu Pecmanganat, Nitrit), 34 mẫu không đạt quy chuẩn về vi sinh vật (chỉ tiêu Coliforms và E.coli).
Phó Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, qua các đợt giám sát, cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở cung cấp nước khắc phục tồn tại, cung cấp nước đảm bảo vệ sinh và an toàn đến người dân; đồng thời yêu cầu ban quản lý khu tập thể, tòa nhà chung cư đảm bảo vệ sinh bể ngầm, bể chứa trên mái để không ảnh hưởng đến chất lượng nước khi đến hộ gia đình.