Theo thông tin mới nhất từ VietinBank, tiếp sau BIDV và Vietcombank, đây sẽ là ngân hàng lớn thứ 3 trong nhóm G12 sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay và mức giảm là 0,5%/năm so với mức sàn đang áp dụng.
Những dòng sóng nổi

Rảo một vòng qua thị trường tài chính ngân hàng, dễ nhận thấy một dòng "sóng giảm lãi suất" đang có xu hướng ngày một lan tỏa ở các NHTM lớn với các đối tượng và kỳ hạn cũng được nới rộng hơn.

Theo thông tin mới nhất từ NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tiếp sau Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đây sẽ là ngân hàng lớn thứ 3 trong nhóm G12 sẽ tiếp tục thực hiện hạ lãi suất cho vay và mức giảm là 0,5%/năm so với các mức sàn lãi suất đang áp dụng.

Lãi suất cho vay thấp nhất tại VietinBank hiện ở mức là 16%/năm. Cụ thể: lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn là 16,3%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh là 17%/năm. Nếu khách hàng kinh doanh hiệu quả, uy tín thì mức lãi suất sẽ thấp hơn nữa tùy theo từng lĩnh vực.

Trước khi hạ lãi suất, VietinBank vẫn đang duy trì các chương trình tài trợ xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ... với mức cho vay DN thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, với các khách hàng kinh doanh hiệu quả, uy tín cũng được vay với lãi suất khá mềm 17 - 18%/năm.

Tại Vietcombank sau khi hạ lãi suất, mức lãi suất cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn của ngân hàng này còn 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm. Không chỉ lãi suất cho vay sản xuất được giảm xuống mà lãi suất phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cũng được Vietcomank áp dụng với các mức thấp hơn: vay ngắn hạn còn 18%/năm, vay trung và dài hạn từ 18,5-19%/năm.

Đặc biệt, để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán, bất động sản, lãi suất cho vay lĩnh vực này tại Vietcombank xuống còn 20%/năm.

Với BIDV, sau 5 lần giảm lãi suất cho vay kể từ tháng 9/2011 đến nay, lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng là 17,5%/năm, riêng đối với một số đối tượng đặc biệt chỉ là 14,5%/năm. Mặc dù lãi suất chưa giảm trên diện rộng nhưng lãnh đạo một số NHTM cho biết họ đều có chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng tiềm năng kinh doanh hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên, tùy từng đối tượng khách hàng mức lãi suất giảm 0,5 - 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Và một lộ trình xa hơn, xu hướng giảm lãi suất sẽ được áp dụng, khi mà tính thanh khoản của nhiều NHTM lớn đang được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, hiện dòng sóng hạ lãi suất mới chỉ diễn ra ở các các NHTM lớn với mức độ dè dặt, còn các ngân hàng nhỏ vẫn đang trong thế "án binh bất động", chưa chịu nhập cuộc, lãnh đạo một NHTMCP lý giải là do các ngân hàng còn đang nghe ngóng thị trường.

Mặc dù các ngân hàng này muốn hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng nhưng nếu lãi suất đầu vào vẫn giữ mức 14%/năm thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nếu hạ cả hai thì vốn huy động sẽ bị ảnh hưởng. Vì trên thực tế các ngân hàng nhỏ đang chịu tác động nhất định từ quá trình sáp nhập, hợp nhất khi người dân đang chọn ngân hàng lớn để gửi tiền.

Để sóng lan rộng

Mặc dù trong thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện các đợt giảm lãi suất, thế nhưng nhiều DN cho rằng còn khó tiếp cận mức lãi suất thấp mà các ngân hàng lớn đưa ra. TS Cấn Văn Lực thừa nhận, do ảnh hưởng chung kinh tế toàn cầu trong năm qua, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có tới gần 50 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất.

Chính vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, các tiêu chí và điều kiện vay của ngân hàng đưa ra hết sức chặt chẽ như: DN phải thuộc các lĩnh vực ưu tiên, phải không có nợ quá hạn, phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng đủ năng lực tài chính… Do vậy, trước mắt sẽ không nhiều DN có thể vay vốn rẻ.

Tuy nhiên, sau liên tiếp những đợt hạ lãi suất cho vay của các NHTM nói trên và với xu hướng hạ đang tiếp tục diễn ra, theo nhiều ý kiến chuyên gia, dòng vốn rẻ sẽ đến được với các DN một cách dễ dàng hơn.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB, cho rằng trong tháng 2 này lãi suất cho vay cũng chưa thể giảm được nhiều vì thực tế giá vốn của các NHTM vẫn còn cao. Hơn nữa, thời điểm này các NHTM cũng đang cơ cấu lại đối tượng khách hàng cho vay theo hướng chọn lọc nên giảm lãi suất chưa phải là ưu tiên hàng đầu của các NHTM.

Hiện nay lãi suất cho vay DN đang ở mức 20%-22%/năm, song về lâu dài, bản thân các NHTM cũng muốn giảm lãi suất cho vay xuống để cho vay ra. Bởi một khi DN vay lãi suất cao không thể sống nổi, thì ngân hàng cũng chẳng dễ dàng gì.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, có thể phải 2 - 3 tháng nữa khi các tín hiệu vĩ mô rõ ràng hơn và vấn đề thanh khoản được giải quyết một cách triệt để thì việc hạ lãi suất mới thực sự mở ra trên diện rộng.

TS Lực đề xuất, bên cạnh đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng yếu kém, NHNN tiếp tục tái cấp vốn trên thị trường mở với kỳ hạn dài hơn nhưng cân nhắc liều lượng tiền tránh lạm phát. Ngoài ra, có thể cấp vốn đầu tư, vốn điều lệ cho TCTD thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt như chúng ta đã từng làm trước đây và đây cũng là việc mà ở nước ngoài đã thực hiện khá tốt.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, NHNN nên mạnh dạn kéo giảm lãi suất xuống đồng thời bơm thanh khoản cho thị trường chứ không chờ lạm phát xuống nữa. Việc kéo giảm lãi suất có thể dẫn đến hiện tượng người dân rút tiền, nhưng trong thời gian ngắn, tiền sẽ vào ngân hàng trở lại - ông nhấn mạnh.
Theo Huyền Thanh (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh