Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang bắt đầu để cho đồng nhân dân tệ hạ giá so với đồng đô la (Mỹ) sau 2 năm cố gắng đẩy giá đồng tiền này, một động thái cho thấy, mối quan tâm của Bắc Kinh đối với nền kinh tế đang chậm lại của mình vượt trên những vấn đề khác.
PBOC đã không đưa ra bình luận nào, nên không rõ là xu hướng này có tiếp diễn trong những ngày tới và những tuần tới nữa hay không.
Các nhà giao dịch và phân tích cho rằng, thay đổi này là nhằm giúp các nhà xuất khẩu đối phó với tình trạng doanh số tăng chậm và giảm khả năng tăng tỷ lệ thất nghiệp vào giai đoạn chuyển giao chính trị 10 năm một lần của Trung Quốc, sẽ bắt đầu cuối năm nay. Cuối tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo rằng: “nhiệm vụ xúc tiến việc làm sẽ trở nên rất nặng nề và chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được điều đó”.
“Tác động về tâm lý của việc hạ giá đồng nhân dân tệ “sẽ rất mạnh”, Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế cao cấp của Crédit Agricole tại Hong Kong nói. “Nó tạo ra cảm giác rằng, Bắc Kinh đang tập trung vào việc giảm thiểu những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế, đến mức bỏ qua bất kỳ áp lực nào từ Mỹ”.
Nhưng việc hạ giá đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ trở thành một vấn đề chính trị ở Mỹ trong năm bầu cử này, trong đó, chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục công khai ép buộc Trung Quốc phải nâng giá tiền tệ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Lael Brainard phát biểu cuối tuần trước rằng, Trung Quốc “không nên tiếp diễn hành động sai lầm đối với tỷ giá hối đoái và nên kiềm chế cạnh tranh bằng cách phá giá tiền tệ”.
Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney thì chỉ trích Chính quyền đương nhiệm không đủ cứng rắn đối với Trung Quốc và nói rằng, ông coi Trung Quốc là “kẻ phá bĩnh tiền tệ”. Đây là một dấu hiệu có thể dẫn đến những căng thẳng mới giữa hai nước, qua khả năng trừng phạt thương mại của Mỹ.
Trong khi đó, hôm thứ Tư, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhắc lại rằng, đồng tiền của Trung Quốc “bị định giá khá thấp” so với một rổ tiền tệ - hàm ý rằng, giá trị của đồng nhân dân tệ nên tăng, chứ không giảm, trong vòng 3 năm tới hoặc lâu hơn. Trong báo cáo của mình, IMF không chỉ ra mức độ thấp giá đó, nhưng các thành viên của IMF cho biết, nó ở dưới 10%.
Đại diện Trung Quốc tại IMF, Zhang Tao, phản ứng, mô tả của IMF về đồng nhân dân tệ là “không phù hợp với thực tế”. “Phải nói cho đúng là đồng nhân dân tệ… tương đối cân bằng”, Zhang Tao khẳng định. Tóm lại là đồng nhân dân tệ không phải tăng giá thêm nhiều nữa, ý của Zhang Tao.
Hành xử của Bắc Kinh không chỉ nhắm tới đồng đô la. Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, chỉ sau Mỹ và đồng nhân dân tệ đã tăng giá 5,7% so với đồng euro từ tháng 1 năm nay. Trong thời gian đó, đồng đô la đã tăng 6,9% so với đồng euro. Bằng cách giảm giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la, PBOC có thể làm chậm lại tốc độ tăng giá của đồng nhân dân tệ so với đồng euro.
Nhờ đó, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, những người đang lo lắng về tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, được trấn an phần nào. “Chúng tôi đã nhìn thấy sự sụt giảm sâu sắc của nhu cầu từ châu Âu”, Xu Peng, một lãnh đạo của tập đoàn Huihong International Group - một doanh nghiệp dệt thuộc sở hữu nhà nước đang bấp bênh với khả năng thanh toán của các khách hàng châu Âu - nói.
Cho đến tuần này, PBOC hầu như đã cố hạn chế tốc độ giảm giá của đồng nhân dân tệ bằng cách đặt ra biên độ thay đổi tỷ giá của mỗi ngày so với tỷ giá mở cửa - bằng với tỷ giá đóng cửa của ngày trước đó. Nhưng thứ Hai vừa qua, PBOC đã đặt giá mở cửa của đồng nhân dân tệ thấp hơn mức đóng cửa của ngày thứ Sáu tuần trước. Động thái này tiếp tục diễn ra trong hai ngày sau đó. Đến cuối ngày thứ Tư, mỗi đô la đã đổi được 6,3885 nhân dân tệ.
Cũng phải nói là, một phần lý do của việc đồng nhân dân tệ hạ giá đến từ áp ực của thị trường. Song cái chính là Chính phủ Trung Quốc đã không can thiệp để cản lại điều đó, không phải vì nước này không có khả năng (với 3.240 tỷ USD dự trữ), mà có lẽ vì… không muốn.