05/04/2013 7:42 AM
"Phải thanh lọc những doanh nghiệp BĐS hoạt động không hiệu quả, thậm chí không có vốn, không có năng lực tài chính, không có tri thức, không có kinh nghiệm. Bởi vì bước vào thị trường BĐS là một thị trường khó tính, phức tạp chứ không phải cứ có mối quen biết, cứ lấy được đất rồi bán ra được là có lời là lao vào..." - Ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Xoay quanh cuộc tranh luận giữa TS Alan Phan và Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, cùng những nhận định mới đây của một vài DN BĐS, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

PV: - Liên quan đến cuộc tranh luận về giải cứu BĐS giữa TS. Alan Phan và CLB BĐS HN đang diễn ra. Hiện dư luận đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: ủng hộ và chỉ trích quan điểm của TS. Alan Phan. Xin ông cho biết quan điểm của cá nhân ông?

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của TS Alan Phan. Hơn nữa, ý kiến của Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng giống như thế. Chúng ta cần phải hiểu khi nào Nhà nước cần tác động đến thị trường BĐS để khắc phục những ảnh hưởng xấu mà BĐS gây ra.

Vấn đề này theo tiêu chí thế giới rất rõ ràng: chỉ khi mà thị trường BĐS gây tác động xấu đến nền kinh tế quốc gia. Tức là nền kinh tế sẽ bị ách tắc, trì trệ, khủng hoảng do thị trường BĐS. Hoặc là gây ra khủng hoảng tài chính ví dụ như ở Đông Nam Á năm 1997 và ở Mỹ năm 2008... thì khi đấy Nhà nước phải can thiệp.

Còn ở Việt Nam hiện nay chưa rơi vào tình trạng đấy. Không hề có tác động của thị trường BĐS vào nền kinh tế quốc gia nói chung cũng như thị trường tài chính nói riêng. Mà hiện nay mới chỉ đang có quá trình những khó khăn của thị trường tài chính tác động vào làm thị trường BĐS khó khăn, chứ chưa có chiều ngược lại.

Vậy nên chúng ta cần phải làm rõ là khi nào cứu, chứ không phải mỗi lúc thị trường BĐS sốt, nóng lên, những nhà đầu tư được lợi nhiều thì không có vấn đề gì. Thế nhưng khi có khó khăn thì lại bắt Nhà nước phải cứu. Thực tế thị trường BĐS VN chưa hề có tác động gì vào nền kinh tế.

Chuyện cứu thị trường BĐS đặt ra ở đây là không đúng. Còn Nhà nước có thể có một số chính sách hỗ trợ thị trường BĐS như là giảm thuế, giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, ra thời hạn nộp thuế... để giúp các DN trong lúc thiếu vốn, khó khăn. Và chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ thôi, chứ không phải là cứu.

PV: - CLB BĐS HN nói rằng không hài lòng với câu trả lời của TS. Alan Phan vì ông nói quá chung chung, không trả lời lần lượt từng câu hỏi một. Ông có đánh giá gì về điều này?

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi cho rằng ông Alan Phan có nguyên tắc trả lời của riêng ông, chứ không phải là trả lời chất vấn. Theo quan điểm của tôi thì ông Alan Phan trả lời như thế là đã đủ ý.

PV: - Gần đây, ông Alan Phan có nói rằng muốn tổ chức một cuộc "tranh luận trí thức", trong đó có đề xuất sẽ mời ông là một trong 8 vị khách mời tham gia. Liệu ông có nhận lời tham gia cuộc tranh luận trí thức này?

Ông Đặng Hùng Võ:- Tôi rất đồng ý và sẵn sàng tham gia. Đây là một việc rất tốt.

PV:- Có một số quan điểm cho rằng không nên giải cứu BĐS vì người dân đã nghèo và không mua được nhà rồi, nên BĐS chết cũng không ảnh hưởng gì đến họ. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi cho rằng quan điểm này chưa được chính xác. Tất nhiên là thị trường cao cấp thì không nằm trong mối quan tâm của người dân. Nhưng thị trường giá rẻ thì hiện nay đang là mối quan tâm rất lớn của người dân. Nên điều quan trọng là chúng ta phải phát triển được thị trường giá rẻ, bởi vì đấy là cách thức để cho người dân có nhà ở.

Thời gian vừa rồi chúng ta đã không làm được việc là phát triển thị trường giá rẻ mà chúng ta đi phát triển thị trường giá trung bình và giá cao. Đấy chính là cái khuyết tật của chúng ta hiện nay. Cái khuyết tật này một phần chính là do thị trường phải tự giải quyết, chứ không nên vì chuyện thất thu của các DN đầu tư quá nhiều vào khu vực cao cấp, trung cấp mà Nhà nước bây giờ phải dang tay ra cứu giúp.

Điểm thứ hai là chúng ta đã hiểu sai, ví dụ như Mỹ có tác động vào thị trường để tránh khủng hoảng tài chính, nhưng chỉ dừng lại ở tái cấu trúc rồi cho DN vay và phải trả lại. Chứ không phải hiểu theo nghĩa ở Việt Nam là Nhà nước xuất một khoản tiền rất lớn để cho DN, thì cũng không đúng.

PV: -Vừa qua, ông Nguyễn Văn Đực, GĐ Địa ốc Đất Lành có phát biểu rằng chỉ cần 30% DN BĐS còn sống là đủ hồi sinh thị trường BĐS, còn 70% DN BĐS còn lại có thể chết. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Ông Đặng Hùng Võ: - Về tỷ lệ thì tôi không dám nói là tỷ lệ nào thì đúng. Nhưng phải thanh lọc những DN BĐS hoạt động không hiệu quả, thậm chí không có vốn, không có năng lực tài chính, không có tri thức, không có kinh nghiệm. Bởi vì bước vào thị trường BĐS là một thị trường khó tính, phức tạp. Thế thì để có thể tồn tại, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, có tri thức, có sự chuyên nghiệp, có vốn... mới được chứ không phải cứ có mối quen biết, cứ lấy được đất rồi bán ra được là có lời là lao vào.

Chúng ta không nên có cách tiếp cận như từ những năm 1994 cho đến 2009, đấy là giai đoạn mà ai thích làm thì làm. Người làm được thì cười hớn hở, tăng được lợi nhuận, thậm chí siêu lợi nhuận mà như ông Trần Du Lịch đã có lần nói rằng: buôn BĐS Việt Nam lợi nhuận còn cao hơn buôn ma túy.

Vậy nên việc tái cấu trúc phải dẫn đến việc chúng ta cần thanh lọc, chứ không phải không.

Xin cảm ơn ông!

Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.