05/09/2013 8:02 AM
Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm trong xây dựng.

Nhiều vướng mắc trong hoạt động xây dựng như xây nhà sai phép, công trình kém chất lượng... đã được phân tích kỹ lưỡng tại phiên thẩm tra Luật Xây dựng sửa đổi do Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức ngày 4-9.

Xây lố 5-7 tầng cũng không sao

“Có cử tri phản ánh rằng: Tôi xây thêm tí ti thì cán bộ quản lý xây dựng ở phường phạt ngay. Nhưng có căn nhà xây lố 5-7 tầng so với giấy phép thì chẳng sao cả. Để ngăn chặn tình trạng trên, tôi đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Không có chuyện để vi phạm xảy ra rồi xử lý du di, lại hạ cánh an toàn” - bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu thực tế.

Đại biểu Trần Quốc Khánh cũng khẳng định vi phạm trong xây dựng đang rất phổ biến. “Đó là do lực lượng thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm, bao che vi phạm, rõ nhất là lờ đi để người ta xây quá tầng so với giấy phép. Trong khi đó, tôi lại chưa thấy có quy định ngăn chặn những vi phạm của cán bộ thanh tra, vi phạm của chủ tịch UBND quận, huyện” - ông Khánh nhấn mạnh.

Cần quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép xây dựng nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân khi làm thủ tục. Ảnh: HTD

Về chất lượng công trình xây dựng, bà An chỉ rõ: “Có tình trạng cầu vừa xây xong đã sập, nhà vừa xây xong đã đổ. Sau đó chúng ta thường nhận được câu trả lời: “Chúng tôi đã làm đúng quy trình”. Thế là xong!”. Từ thực tế trên, bà An đề xuất cần bổ sung các quy định thật cụ thể về quyền của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư đối với việc giám sát trong xây dựng.

Quy định làm khó dân

Về cấp giấy phép xây dựng, ông Phạm Đức Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, góp ý: “Dự thảo đã liệt kê rõ hồ sơ xin cấp phép xây dựng bao gồm những giấy tờ gì nhưng tôi không hiểu sao lại còn thòng thêm một câu: “Các tài liệu khác có liên quan”. Quy định như vậy dễ dẫn đến việc khi người dân xin giấy phép xây dựng, các cán bộ ở xã, huyện sẽ đòi thêm 5-7 loại giấy tờ khác nữa, rồi nói đó là các tài liệu liên quan. Như thế thì người dân rất mệt!”

Tại cuộc họp, Ủy ban KHCN&MT cho rằng cần quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép xây dựng để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức xin giấy phép xây dựng với các loại công trình. Yêu cầu là phải công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Theo ủy ban, dự thảo quy định một trong những điều kiện cấp giấy phép xây dựng là “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định”. Quy định như vậy khó khả thi, vì trong giai đoạn xin cấp giấy phép xây dựng chủ đầu tư chưa đủ điều kiện chọn nhà thầu thi công. Mặt khác, dự thảo còn quy định điều kiện cấp phép xây dựng là phải “phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt”. Đây là điều kiện tương đối mở nhưng cần quy định cụ thể hơn để tránh tùy tiện khi hướng dẫn, thực hiện.

Ông Phùng Đức Tiến, Thường trực Ủy ban KHCN&MT, nêu tình trạng quy hoạch “treo” gây nhiều thiệt hại cho xã hội. Ví dụ: Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Khu ĐH Quốc gia (Hà Nội) cứ để không cho cỏ dại mọc bao nhiêu năm nay. Thời gian qua, Hà Nội đã để hoang hàng ngàn hecta đất. Quy hoạch thủ đô có rồi nhưng hiện vẫn chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực hiện. Vì thế, các nguồn lực đành tiếp tục chờ đợi...

Ông Đinh Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, đề xuất: Phải có chế tài đối với việc chậm hoặc không thực hiện quy hoạch, có vậy mới tránh được tình trạng quy hoạch “treo”.

Hoàng Vân (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.