Ông Bùi Kiến Thành bày tỏ thắc mắc, “Không rõ Công ty Thiên Thanh là gì lại được giữ vị trí trung gian, được cung ứng vật liệu để giải ngân tiền". Ảnh minh họa: KL
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đã tổ chức Họp báo “Tổ chức phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp”. Theo đó, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được tung ra thông qua chuỗi liên kết 4 nhà.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, tập đoàn này sẽ hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất trên cả nước.
Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vốn tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), được hình thành từ Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến thành lập vào năm 1989. Ngày 23/05/2013, Ngân hàng TMCP Đại Tín được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Hiện nay, ông Phan Thành Mai vừa là Tổng thư ký VNrea, vừa là Thành viên HĐQT thường trực và là Tổng giám đốc VNCB.
Trong đó, Tập đoàn Thiên Thanh là 1 trong 6 cổ đông lớn của VNCB bên cạnh các tên tuổi lớn khác như Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty Lương thực Long An…
Ngoài việc tham gia hỗ trợ cho gói tín dụng 50.000 tỷ, trước đây Tập đoàn Thiên Thanh cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận với việc ra tay “giải cứu” TrustBank trong hoạt động tái cấu trúc của ngân hàng này. Theo đó, tại Đại hội cổ đông năm 2012 do Ngân hàng TMCP Đại Tín tổ chức ngày 15/01/2013, Tập đoàn Thiên Thanh đã chính thức giữ vai trò là đối tác chiến lược cùng tái cơ cấu TrustBank với số vốn điều lệ mà tập đoàn này sở hữu là 9,7%.
Được biết, Tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Thanh hiện nay là ông Phạm Công Danh, người đồng thời đang giữ chức chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Tuy khá kín tiếng nhưng tiềm lực và quy mô kinh doanh của Thiên Thanh Group thật sự đồ sộ với quá trình hình thành và phát triển lâu dài, rộng khắp cả nước. Tiền thân là Hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động tại Quảng Ngãi, tập đoàn Thiên Thanh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM từ năm 2000. Đến nay, Tập đoàn Thiên Thanh đã có hệ thống các chi nhánh và đơn vị trực thuộc trên khắp các tỉnh thành lớn.
Tập đoàn có các lĩnh vực kinh doanh chính như: Vật liệu xây dựng – Trang thiết bị nội thất; Ôtô – Dịch vụ ôtô; Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn; Bất động sản; Tài chính – Dịch vụ tài chính và một số hoạt động kinh doanh khác.
Ngoài ra, tập đoàn đa ngành này sở hữu một hệ thống các công ty con bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế. Cụ thể như Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh; Công ty TNHH MTV Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ - Quảng Nam; Công ty TNHH MTV Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng; Salon Auto Thiên Thanh; Trung tâm Kinh doanh VLXD - TTBNT Thiên Thanh; Trung tâm Kinh doanh – Dịch vụ Ôtô Thiên Thanh; Siêu thị Ôtô Thiên Thanh – Bình Dương; Trung tâm Tư vấn Đầu tư Tài chính; Trung tâm Giao dịch Bất động sản; Tổ hợp TM-DV-KS Thiên Thanh Quảng Ngãi; Nhà hàng Thiên Thanh 27 Tú Xương, Phường 6, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh; Chi nhánh Hà Nội; Chi nhánh Đà Nẵng; Chi nhánh Quảng Ngãi;…
Trong lĩnh vực bất động sản, Thiên Thanh Group cũng nắm giữ một số lượng lớn bất động sản với các dự án tầm cỡ. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến: Khu Du lịch nghỉ dưỡng Long Hải Bearch Resort (Bà Rịa – Vũng Tàu); Khu phức hợp TM-DV Thiên Thanh Đà Nẵng; Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ (Quảng Nam); Dự án Tổ hợp TM – DV – KS Thiên Thanh Quảng Ngãi; Dự án Trung tâm Kinh doanh Dịch vụ Ôto Thiên Thanh; Khu cao ốc Khách sạn - văn phòng Green Plaza Đà Nẵng; Dự án trung tâm Thương mại VLXD-TTBNT Thiên Thanh; Khách sạn - Nhà hàng 43 Nguyễn Văn Giai; Dự án khu dân cư Tây Thạnh; Dự án Nhà hàng 27 Tú Xương; Quản lý trung tâm Vật liệu xây dựng – Trang thiết bị nội thất Thiên Thanh tại 302 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TP.HCM…
Trở lại việc gói tín dụng 50.000 tỷ vừa được VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tung ra thị trường. Có lẽ chính vì sự kín tiếng của tập đoàn này đã dẫn đến một số quan ngại và ngờ vực của các chuyên gia về năng lực cũng như vai trò của Thiên Thanh trong gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá đến 50.000 tỷ này.
Nêu ý kiến trên báo Tiền Phong sáng nay (27/3), “Chuyên gia Bùi Kiến Thành lưu ý, điểm lạ của gói 50.000 tỷ đồng là vị trí của Công ty Thiên Thanh Group. Khi công ty này khẳng định có nguồn vật liệu giá rẻ hơn các đơn vị khác, nên đứng ra làm cầu nối giữa ngân hàng và chủ đầu tư, đơn vị thi công”.
Ông Bùi Kiến Thành bày tỏ thắc mắc, “Không rõ Công ty Thiên Thanh là gì lại được giữ vị trí trung gian, được cung ứng vật liệu để giải ngân tiền. Còn những đơn vị cung ứng vật liệu khác sẽ ra sao, chẳng nhẽ họ không được tham gia vào chuỗi cung ứng này? Tự tạo ra một thế độc quyền cho nhà cung ứng vật liệu này (Công ty Thiên Thanh - PV), như vậy là phi thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, hình thành nhóm lợi ích”.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề lớn của thị trường bất động sản không phải làm sao tạo ra sản phẩm, mà là sản xuất ra phải có người mua để ở (không phải mua đầu tư). Nếu không ai mua, không thu hồi được vốn, khoản vay sẽ biến thành nợ xấu. “Có lẽ đây là một chiêu PR của ngân hàng, và thổi phồng anh Thiên Thanh nào đấy, nên có đề xuất như vậy”, ông Thành thẳng thắn.