23/07/2013 4:32 PM
Có đến 90% công nhân lao động ở tỉnh Bình Dương khi được hỏi đều cho biết mong muốn sở hữu một căn nhà để “an cư lạc nghiệp” tại vùng đất công nghiệp.

Mong ước của họ đã được Đảng và Nhà nước thấu hiểu và có chính sách rất thiết thực thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ cho vay dưới 6%.

Chính sách này nếu được thực thi hiệu quả sẽ góp phần giải quyết bài toán bấy lâu nay về nhà ở cho gần 1 triệu công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, trên thực tế để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, các thủ tục ràng buộc gắt gao từ phía các ngân hàng đang là rào cản cho phần đông người lao động. Giấc mơ về ngôi nhà của người công nhân vẫn còn rất xa.

Gần 1 triệu công nhân ở trọ

Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết tính đến nay, tổng số công nhân lao động làm việc ở Bình Dương là trên 800.000 người, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%, lao động nhập cư chiếm khoảng 85%.

Để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và phát triển, hàng năm Bình Dương cần bổ sung thêm từ 40.000-50.000 lao động mới.

Trong những năm qua, với chính sách mời gọi, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, Bình Dương đã thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ, đa số là lao động ngoài tỉnh đến làm việc với hơn 680.000 người.

Khảo sát mới đây của Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương cho thấy có đến 90% công nhân khi được hỏi đều có nhu cầu về nhà ở ổn định để an cư lạc nghiệp.

Riêng số lao động còn lại có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhu cầu về nhà ở trước mắt chiếm trên 50% (lý do là còn sống chung với cha mẹ), nhưng về lâu dài đa số đều có nhu cầu về nhà ở khi lập gia đình riêng.

Tuy nhiên, mức thu nhập thực tế của nhiều công nhân lao động hiện nay quá thấp, đa số đều không đủ điều kiện để có thể mua nhà, nên đa phần là thuê nhà trọ trong dân để ở.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 15.500 hộ kinh doanh nhà trọ với tổng số hơn 200.000 phòng, tổng diện tích là 2.420.148m2. Số lượng người lao động ở trọ là hơn 600.000 lượt người, giá thuê nhà bình quân từ 400.000-900.000 đồng/phòng/tháng, tùy theo phòng lớn, nhỏ từ 12-16m2/phòng.

Để giải quyết những bức xúc về nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp, theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Bình Dương cần đầu tư xây dựng khoảng 1.750.000m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 175.200 người.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6/2013, tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt 50 dự án phát triển nhà ở xã hội (trong đó có một dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 49 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước), với tổng diện tích sàn 2.844.430m2 ( 69.727 căn hộ), tổng mức đầu tư 13.634 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 179.171 người.

Trong số đó, sáu dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích sàn là 194.475m2 (tương đương 4.258 căn hộ) với tổng mức đầu tư là 910 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 11.407 người.

Kết quả đầu tư phát triển nhà ở xã hội mới đạt 11,11% so với mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình đề ra đến năm 2015.

Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, tỉnh Bình Dương cần thêm 1.211.500 m2 sàn nhà ở để đáp ứng cho trên 121.000 công nhân lao động.

Ước mơ xa vời

Có thể nói, nhà ở cho công nhân lao động đang là một nhu cầu rất lớn và cấp thiết. Gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm dường như đã mang lại cơ hội cho người thu nhập thấp, nhất là công nhân lao động mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau gần hai tháng triển khai gói tín dụng này, các ngân hàng đang gặp phải những bất cập nhất định trong việc giải ngân.

Theo ghi nhận, sau khi triển khai chính sách tín dụng đã có hàng trăm công nhân gửi hồ sơ đến các ngân hàng vay mua nhà. Nhưng trên thực tế, hàng loạt hồ sơ thực hiện không thành công.

Giải thích về vấn đề này, một số ngân hàng lý giải đối tượng là công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương ngân sách nhà nước thì dễ, còn đối tượng lao động tự do, kinh doanh cá thể, công nhân khi xác định các giấy tờ, thủ tục thì quá khó.

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Dương, trong khi cơ chế cho vay của Agribank, mức tài sản bảo đảm là 70% thì quy định của Ngân hàng Nhà nước với gói ưu đãi lên đến 80% giá trị căn nhà. Nếu cho vay 70% thì không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, mà cho vay 80% thì sai quy chế của Agribank.

Vì vậy, đến nay chưa có hồ sơ của người thu nhập thấp nào vay được vốn lãi suất ưu đãi 6% từ chi nhánh Agribank Bình Dương.

Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Bình Dương cũng cho hay chưa có đối tượng nào được giải ngân vay mua nhà ưu đãi lãi suất 6%. Nguyên nhân còn vướng thủ tục giữa quy định của hội sở ngân hàng và văn bản của ngân hàng Nhà nước chưa thống nhất.

Đến nay ngân hàng có giải ngân cho 27 hồ sơ với số tiền cho vay 2,8 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, nhưng đó là đối tượng vay lãi suất 11%, còn về gói hỗ trợ 6% thì chưa giải ngân được.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương, một trong năm ngân hàng đảm trách giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, cho biết từ ngày 1/6 đến nay, chi nhánh đã hướng dẫn tư vấn cho khách hàng và đã nhận hơn 120 hồ sơ.

Qua xét duyệt, chi nhánh đã hoàn tất 20 bộ hồ sơ đủ chuẩn vay vốn ưu đãi theo liên kết ba bên giữa ngân hàng, đối tượng mua nhà là người có thu nhập thấp và chủ đầu tư nhà ở xã hội là Becamex để giải ngân.

Tuy nhiên, theo ông Linh vẫn chưa giải ngân được cho người mua nhà vì còn vướng các thủ tục cần thiết, bởi người lao động phải có giấy tạm trú KT3, đã tham gia bao hiểm hơn một năm… Điều kiện ràng buộc này đã gây khó cho hàng vạn người lao động ở Bình Dương.

Sau khi bỏ quy định chứng minh thu nhập, các điều kiện để được mua nhà ở an sinh xã hội vẫn còn lắm thủ tục ràng buộc khác.

Anh Phan Văn Thắng - công nhân Công ty gỗ Kaiser (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát – Bình Dương) băn khoăn với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, liệu anh có thể mua nhà và trả góp trong vòng 10 năm hay không?

Câu trả lời từ các nhà chức trách về trường hợp của anh Thắng cho hay anh Thắng mới thay đổi công việc gần một năm nay, chưa ổn định nơi ở, chưa có giấy tạm trú KT3 nên rất khó có khả năng được hưởng lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng..

Có thể nói, các quy định này đang khiến những người thu nhập thấp ở Bình Dương nản lòng. Khi những khó khăn, vướng mắc này chưa được giải quyết thì cơ hội sở hữu nhà ở xã hội càng trở nên xa vời đối người lao động.

Về vấn đề trên, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng thực hiện chính sách phải tận tâm, tích cực để dòng vốn hữu ích trên đi đến đúng đối tượng và đáp ứng đúng nguyện vọng của người có nhu cầu mua nhà ở, nhất là những công nhân lao động có thu nhập thấp.

TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.