02/12/2020 9:20 AM
5 huyện của Hà Nội gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đã có đề án và đang tập trung triển khai đầu tư, xây dựng lên quận đến năm 2025. Dáng dấp đô thị tại các địa phương này đang dần hiện rõ. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình đưa các huyện này thành quận, đồng thời đảm bảo đô thị đạt chất lượng, phát triển bài bản và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng công tác quy hoạch cần được quan tâm gỡ vướng.

Huyện Đan Phượng phấn đấu trở thành quận trong thời gian sắp tới. Ảnh: Lê Đạt

Hình thành những khu vực đô thị hiện đại

Được định hướng phát triển trở thành quận, trên địa bàn huyện Đan Phượng, nhiều đồ án có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 do TP phê duyệt đã, đang triển khai xây dựng. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi thông tin, hiện các khu đô thị lớn khang trang hiện đại đang dần hiện diện như khu chức năng đô thị Green City, rộng 130ha đang triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã GPMB được khoảng 35ha/42ha; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng rộng 45ha, chủ đầu tư đang trình phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sơ, thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục… Bên cạnh những dự án bất động sản, nhiều dự án hạ tầng xã hội, 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13 - 22m cũng đã được đầu tư xây dựng để đáp ứng tiêu chí lên quận.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quang Đặng cho biết, theo quy hoạch, 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác định là vùng đô thị trung tâm mở rộng. Đến nay, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt. Từ đó, nhiều dự án lớn đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai đầu tư. Đối với 81 khu dân cư hiện hữu, huyện đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 72 đồ án, nghiên cứu đề xuất 4 đồ án. Trong quá trình nghiên cứu, huyện cập nhật các tiêu chí quy hoạch của phường đô thị. Về đầu tư hạ tầng, ngoài các tuyến cao tốc, quốc lộ hay một số tuyến giao thông được TP và T.Ư đầu tư, huyện phải hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung (trong đó có 4 trục chính đô thị, 14 tuyến liên khu vực…).

Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã triển khai 306 dự án với kinh phí 5.506 tỷ đồng. Đơn cử dự án đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5km đường giao thông trục chính, đường liên thôn, trục thôn; rà soát, đầu tư xây dựng đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao... Giờ đây, huyện Gia Lâm đã định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có bốn tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên - Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội - Hưng Yên), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ). Cắt ngang bốn tuyến đường lớn đó là Quốc lộ 17. Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường Quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn một cách đồng bộ, hiện đại.

Gỡ vướng công tác quy hoạch

Thực tế cho thấy, tại các huyện đang trên lộ trình phát triển thành quận, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư theo quy hoạch để bảo đảm các tiêu chí đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc cần được các sở ngành, TP quan tâm tháo gỡ.

Vướng mắc lớn nhất với huyện Đan Phượng hiện nay là hạ tầng khung trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu để kêu gọi đầu tư, khai thác các quỹ đất phía Đông Vành đai 4 để sớm hình thành một số khu đô thị kiểu mới. Quỹ đất phía Tây Vành đai 4 chưa đáp ứng được các chỉ tiêu để lên phường (hiện nay đa số chức năng sử dụng đất là đất trồng màu, đất lúa và hành lang xanh...). Do đó, huyện Đan Phượng đang đề nghị TP sớm phê duyệt chủ trương dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài). Các tuyến đường khung kết nối khu vực đã được TP phê duyệt chỉ giới đường đỏ cần có cơ chế giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng, nhằm khai thác tối đa hiệu quả các quỹ đất trong khu vực.

Đặc biệt, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi, TP cần sớm ban hành cơ chế cho phép huyện kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa công tác lập quy hoạch chi tiết theo định hướng phát triển đô thị trong tương lai nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất phân khu đô thị S1,GS khu vực phía Đông Vành đai 4. Đối với những đồ án quy hoạch đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2008 - 2010, các chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, TP nên thu hồi và giao cho nhà đầu tư khác có năng lực để điều chỉnh quy hoạch và kêu gọi đầu tư theo quy định. Bên cạnh đó, có cơ chế để huyện lập chỉ giới đường đỏ toàn bộ hệ thống đường giao thông khung của từng xã theo tiêu chuẩn phường, quận.

Đối với huyện Đông Anh, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Linh, hiện trên địa bàn còn 2/15 phân khu đô thị (R-Sông Hồng, R-Sông Đuống) chưa được phê duyệt, gây khó khăn cho công tác triển khai lập quy hoạch chi tiết và nghiên cứu lập các dự án đầu tư xây dựng. Một số đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (N5, N7, N8, N9, GN) được phê duyệt từ năm 2012 - 2015, đến nay theo quy định cần phải ra soát, điều chỉnh đảm bảo đáp ứng điều kiện phát triển... Do vậy, huyện kiến nghị TP sớm phê duyệt quy hoạch và chấp thuận danh mục điều chỉnh quy hoạch tại các đô thị phân khu kể trên. Đồng thời, huyện cũng đã có đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương giao UBND huyện triển khai lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 32 đồ án quy hoạch để phủ kín ô quy hoạch thuộc các phân khu đô thị trên địa bàn, phục vụ quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả quỹ đất. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư, UBND huyện đề nghị UBND TP giao huyện triển khai lập, trình UBND TP phê duyệt chỉ giới đường đỏ 18 tuyến đường trục chính, hạ tầng khung; ủy quyền cho UBND huyện thẩm định, phê duyệt chỉ giới đường đỏ đến đường cấp khu vực, mặt cắt ngang <30m.

Trên cơ sở của một huyện đã có 100% xã đạt nông thôn mới thì đô thị của Đan Phượng phải khác với đô thị của các quận khác, trong đó phải bảo đảm có đặc trưng và bản sắc riêng. Để làm được, TP cần thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo thống nhất về xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách để các huyện lên quận. Nghiên cứu cân đối cơ chế tài chính, nhất là giai đoạn làm quy hoạch.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ

Ngày 1/6/2020, Sở QH - KT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy hoạch, kiến trúc đối với các huyện dự kiến phát triển lên quận. Trong đó, đối với khu vực dân cư hiện hữu, sẽ từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết, tích hợp tiêu chí nông thôn mới nâng cao với các nội dung thuộc Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Với quy hoạch chi tiết, sẽ tái cấu trúc các đơn vị ở nhỏ nhất (từ 4.000 - 20.000 người) theo hướng mở rộng quỹ đất dự trữ, nâng chỉ tiêu quỹ đất trường học, thiết chế văn hóa, cây xanh, công trình công cộng...

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh

Vũ Lê (Kinh tế & Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.