Không tính giá đất vào giá thành
Theo phản ánh của nhiều địa phương, Nghị định 34/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (có hiệu lực từ 6/6/2013) quy định, loại nhà ở xã hội được cho thuê và thuê mua chứ không được bán. Ý kiến khác lại cho rằng, vốn đầu tư nhà ở xã hội tại dự án xây dựng trên đất công chỉ tính tiền đầu tư xây dựng công trình trên đất, vì được miễn tiền sử dụng đất, do đó, quỹ nhà này được xem là đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Dự án thuộc vốn ngoài ngân sách theo Nghị định 71/2010 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì được bán, cho thuê và thuê mua.
Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nên các chủ đầu tư không được tính giá đất vào giá thành sản phẩm
Giải đáp những thắc mắc này, ông Nam cho biết, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, được hoàn trả hoặc được khấu trừ vào các nghĩa vụ tài chính đối với diện tích sử dụng đất xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Do đó, tổng mức đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội sẽ không bao gồm tiền sử dụng đất, mà chỉ tính các chi phí đầu tư xây dựng công trình. Chi phí xây dựng công trình trên đất có thể được đầu tư từ vốn ngân sách hoặc vốn ngoài ngân sách.
Các địa phương cũng đang lúng túng về nguồn vốn đầu tư xây dựng tại các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, những dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp thì có được xem là dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hay không? Trả lời thắc mắc này, ông Nam cho biết, dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhà nước đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách (tự huy động) thì dự án nhà ở xã hội đó không phải là dự án đầu tư bằng ngân sách.
Nhiều chính sách “chiều” theo doanh nghiệp
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, sở dĩ tiến độ cấp phép chuyển đổi dự án của Hà Nội chậm là do, tuy Thông tư 02 không yêu cầu phải phê duyệt lại quy hoạch 1/500 nếu dự án xin chuyển đổi không làm tăng diện tích xây dựng, nhưng vẫn yêu cầu phải “bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội”. Để thực hiện được quy định trên, doanh nghiệp cũng cần nhiều thời gian. Đặc biệt, với các dự án đã huy động vốn của khách hàng, Sở đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với khách hàng đồng ý bằng văn bản thì Tổ công tác mới xem xét tiếp.
Vướng mắc trên hiện nhiều dự án đang mắc, vì vậy, tại văn bản hướng dẫn cho TP. HCM, Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng TP. HCM về việc bổ sung cam kết về việc đã nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các khách hàng đã ký hợp đồng và hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích của nhà ở thương mại.
Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng cho phép các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay để thuê, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2/căn và giá dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, tại TP. HCM, hiện các căn hộ đã hoàn thiện có diện tích trên 70 m2 mà không thể điều chỉnh nhỏ hơn. Từ đó, Sở Xây dựng TP. HCM kiến nghị, đối với phần diện tích căn hộ từ 70 m2 trở xuống được hỗ trợ theo Nghị quyết 02, phần diện tích hơn 70 m2 được tính cộng thêm tiền sử dụng đất và phần diện tích lớn hơn này không được hỗ trợ theo Nghị quyết 02.
Tuy nhiên, về việc này, Bộ Xây dựng cho biết, đang trình Chính phủ về trường hợp mua, thuê, thuê mua căn hộ có diện tích dưới 90 m2 được áp dụng cơ chế thí điểm ưu đãi như đối với nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02. Trong thời gian Chính phủ chưa phê duyệt đề xuất này, yêu cầu các địa phương vẫn phải tuân thủ các quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ.