Nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội là rất lớn. Chỉ tính riêng nhóm đối tượng là cán bộ, công chức đã lên đến 30.000 người…

Ngày 3-7, Pháp Luật TP.HCM có bài nêu một số ý kiến trong hội thảo về thị trường căn hộ cho thuê (thu nhập thấp), thể hiện hiện nay ngoài việc người dân có nhà cho thuê còn có hình thức các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi tham gia, các DN lại vướng nhiều rào cản. Một số chuyên gia đề xuất các giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Xem xét miễn tiền sử dụng đất

Thực tế đã có nhiều DN muốn đầu tư vào phân khúc nhà cho thuê ở TP.HCM như Lê Thành, Kinh Đô, C.T Group… Tuy nhiên, chủ đầu tư đang gặp khó khăn vì vướng nhiều rào cản như tiền sử dụng đất, thuế, lãi suất ngân hàng, những ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch… Đặc biệt là chính sách về lãi suất cho vay. Nếu DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi 3%-5%/năm thay vì 12%/năm như hiện nay thì mới kích thích được họ tham gia xây nhà cho thuê.

Ngoài ra, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí kết nối hạ tầng, điện, nước đấu nối với dự án cũng chưa minh bạch nên DN gặp rất nhiều “gánh nặng” khi đầu tư. Nhà nước cũng nên xem xét miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng… và phải đóng vai trò chủ đạo, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc thì mới thu hút được DN tham gia.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Một số người thuê nhà dự án nhà ở xã hội Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đi lại xa xôi. Ảnh: VH

Cần ưu đãi lãi suất

Nhà ở xã hội cho thuê có đặc điểm là thu hồi vốn quá lâu trong khi đa số vốn đầu tư của DN thường chỉ có khoảng 20%-30%, còn lại là đi vay ngân hàng. Với loại hình nhà ở này, chủ đầu tư chỉ dựa vào ngân hàng là chính trong khi thường là cả chục năm chủ đầu tư mới có thể thu hồi vốn. Đó là chưa kể trường hợp người thuê nhà chây ì, không trả tiền đúng hạn.

Khi chủ đầu tư vay tiền kinh doanh dài hạn thì giỏi lắm cũng chỉ trụ trong vòng 3-4 năm, càng để lâu thì lãi càng cao. Ở các nước, nhà ở cho thuê rất phát triển, giá cho thuê phải chăng không quá 30% tổng thu nhập của gia đình. Theo thông lệ quốc tế, tiền thuê tháng là bằng 1% giá thành ngôi nhà. Nếu theo thông lệ này thì ít nhất là chín năm chủ đầu tư mới có lãi và trả xong nợ. Nếu không có chính sách hợp lý thì DN chẳng dại gì bỏ tiền ra để chịu lỗ. Do đó, mấu chốt vẫn là vấn đề lãi suất, nếu Nhà nước không có chính sách hợp lý thì chỉ có Nhà nước mới thực hiện được loại nhà này.

TS PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Nhà nước phải hỗ trợ nhiều

Khảo sát của chúng tôi tại TP.HCM với một số cán bộ, viên chức, 87,5% có nguyện vọng chi trả dưới 2 triệu đồng/tháng. So giá trị thực tế, chi phí này quá thấp và nếu không có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước thì rất khó có cá nhân hay tổ chức nào có thể đầu tư kinh doanh từ nhà ở xã hội.

TS DƯ PHƯỚC TÂN, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Chị Nguyễn Ánh Kiều (35 tuổi) đã thuê căn hộ nhà ở xã hội Đông Hưng 2 (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP.HCM, một trong ba dự án nhà ở cho thuê của TP, được đầu tư bằng vốn ngân sách) vài năm nay với mức giá 3,7 triệu đồng/tháng. Mức giá này khá cao và nơi ở khá xa nơi vợ chồng chị làm việc nhưng đường sá thuận lợi, căn hộ hơn 50 m2 rộng rãi, có nhiều tiện ích nên gia đình chị bốn người vẫn cảm thấy sinh hoạt khá thoải mái.

Việt Hoa (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.