28/11/2016 10:21 AM
Với số dân hơn 69 nghìn người, nhưng bốn xã: Thành Long, Thanh Điền, Đồng Khởi và Thái Bình của huyện biên giới Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhiều năm nay vẫn chưa có một ngôi chợ khang trang đúng nghĩa. Nơi có nhà đầu tư thì vướng quy định, nơi có mặt bằng thì nhà đầu tư chưa tới bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động buôn bán của người dân trên địa bàn cũng như hoạt động giao thương với nước bạn Cam-pu-chia.
Mặt bằng xây chợ Hòa Bình (xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh) đã được giải tỏa nhưng vẫn bỏ không do chưa tìm được nhà đầu tư.
Nhiều chợ xuống cấp nghiêm trọng
Khảo sát thực tế các khu chợ tại bốn xã đều thấy tiểu thương buôn bán trong tình trạng tạm bợ, chợ xuống cấp hoặc địa phương đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng để xây chợ nhưng phải bỏ trống nhiều tháng nay do chưa có nhà đầu tư. Đơn cử như chợ Thanh Điền (xã Thanh Điền) có diện tích gần 21 nghìn m2 nhưng tồn tại mấy chục năm nay nên rơi vào tình trạng xuống cấp.
Chị Lê Thị Yến, một tiểu thương bán quần áo cho hay: “Nhiều tiểu thương ở đây cũng như tôi đều mong muốn địa phương sớm xây dựng lại chợ để buôn bán thuận lợi bởi mặt bằng, hạ tầng khu vực chợ đều đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hộ đã tính ra ngoài bán”.
Cấp thiết nhất trong nhu cầu xây chợ hiện nay có thể nói đến chợ Hòa Bình thuộc xã Thành Long. Chợ Hòa Bình đã tồn tại gần 30 năm với diện tích khoảng 9.000 m2. Trước đây, khu chợ này vốn rất tấp nập vì không những phục vụ nhu cầu mua bán cho 12 nghìn người dân trên địa bàn xã mà còn là nơi giao thương các loại hàng hóa với người dân Cam-pu-chia (xã Thành Long là xã biên giới của huyện Châu Thành). Do tình trạng chợ xuống cấp cho nên trong các cuộc họp của xã, tiếp xúc cử tri người dân kiến nghị rất nhiều về việc xây chợ khang trang nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Thậm chí, do chợ xuống cấp trầm trọng nên khoảng nửa năm nay, 200 tiểu thương buôn bán trong chợ phải di dời ra dựng ki-ốt chung quanh vị trí chợ cũ để buôn bán tạm. Trước đó, ngôi chợ này đã xảy ra đến năm vụ cháy gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho các tiểu thương.
Ông Trần Tuấn Công, tiểu thương bán rau cho hay: “Do các tuyến đường quanh chợ chưa được đổ nhựa cho nên mùa mưa vừa rồi việc buôn bán ế ẩm, diện tích ki-ốt tạm nhỏ, lại ùn tắc thường xuyên do chật chội nên tiểu thương chúng tôi chỉ biết mong có nhà đầu tư đến xây chợ mới càng sớm càng tốt”. Phía sau các ki-ốt mà người dân đang buôn bán tạm là khu đất trống địa phương đã giải tỏa mặt bằng từ nhiều tháng nay để chờ nhà đầu tư đến tìm hiểu.
Ở xã Đồng Khởi và xã Thái Bình, nhu cầu về chợ của người dân cũng hết sức bức thiết bởi các ngôi chợ đều đã xuống cấp. Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu để xây chợ mới đã được tiến hành liên tục, nhưng nhiều năm qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn loay hoay với các phương án mà chưa tìm được lối ra cho các dự án chợ.
Là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, những năm qua, huyện Châu Thành rất nỗ lực thực hiện nhiều chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới ở bốn xã nêu trên hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa thể hoàn thành tiêu chí về chợ.
Vướng ở đâu?
UBND huyện Châu Thành cho biết, các chợ hạng ba sẽ do địa phương thực hiện. Do ngân sách hạn hẹp cho nên địa phương đã thực hiện kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa cho các dự án chợ nêu trên. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi lại bỏ đi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Năm 2014, Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư xây mới ngôi chợ Hòa Bình. Tuy nhiên, đến tháng 3-2016, khi các ban họp bàn để chuẩn bị triển khai đầu tư thì nhà đầu tư xin rút với lý do tại góc chợ Hòa Bình hiện đang có một cây xăng (cây xăng số 47 - PV) tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Theo tìm hiểu, trong quy hoạch, cây xăng số 47 đáng lẽ không được tồn tại ở vị trí đó do không đủ diện tích và các điều kiện về an toàn cháy nổ nhưng cho đến nay cây xăng vẫn tồn tại.
Ngoài ra, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các khu đất công khi thực hiện đầu tư phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng mới đúng luật định, trong khi đó UBND huyện cho rằng, Châu Thành là huyện biên giới đặc biệt khó khăn nên có thể “linh hoạt” tạo cơ chế để nhà đầu tư tham gia theo Điều 110 và Điều 118 Luật Đất đai, tức là khi thực hiện dự án xây chợ không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Nói cách khác, thay vì tổ chức đấu giá, UBND huyện có thể cho nhà đầu tư thuê đất để xây hạ tầng như một hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Tương tự, tại xã Thái Bình, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã ba lần tổ chức đấu giá khu đất thuộc dự án xây chợ (hơn 21 nghìn m2) nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia. Một trong những nguyên nhân khiến việc đấu giá thất bại mà UBND huyện Châu Thành thông tin là do khu đất dự định xây chợ có giá khởi điểm cao hơn giá thị trường chung. Được biết, trong lần đầu đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh ra giá 20 tỷ đồng, sau đó hạ giá xuống 15 tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm.
Ông Ngô Ngọc Thành, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề xuất: Đối với địa phương nghèo như Châu Thành, việc thu hút đầu tư rất khó thì cần phải có cơ chế riêng, thí dụ như chỉ định nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng phương thức đấu giá, cần thông tin đầy đủ những ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng để việc thu hút đầu tư khả thi hơn. UBND huyện Châu Thành cũng kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh xem xét ban hành quy định về mức thu, quản lý và sử dụng phí chợ cụ thể, chi tiết, rõ ràng để tạo thuận lợi thu hút các nguồn ngoài ngân sách đối với công tác quản lý và phát triển chợ.
Trần Quang Quý (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.