Theo ông Bùi Xuân Cường - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), trong năm 2019 ban đặt mục tiêu thi công đạt 18% tiến độ, nâng tiến độ chung của dự án metro số 1 lên 80%.
Hiện những "rào cản" đang được tìm cách tháo gỡ để dự án tăng tốc, kịp vận hành vào cuối năm 2020 như kế hoạch.
Công trường nhộn nhịp
Bên trong hàng rào tôn kín mít trên đường Lê Lợi, Q.1 đoạn từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TP.HCM, ba chiếc cẩu vươn cao đang hoạt động, gồm một chiếc nằm ở công viên 23 Tháng 9, một chiếc nằm phía trước chợ Bến Thành và chiếc còn lại nằm trên đường Lê Lợi.
Cả ba chiếc cẩu này có nhiệm vụ vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng trong lòng đất và lấy đất cát ở độ sâu khoảng 30m để xây dựng nhà ga ngầm Bến Thành và đường metro ngầm trên đường Lê Lợi.
Theo chân anh Thanh - kỹ sư công trường xây dựng nhà ga ngầm Bến Thành, chúng tôi men theo chiếc cầu thang sắt hẹp chỉ rộng vừa đủ cho một người bước xuống lòng đất. Từ trên mặt đất xuống đến lòng đất là những thanh sắt to lớn được dằn ngang dọc trong lòng hầm nhà ga Bến Thành.
Xuống đến độ sâu 30m, trước mặt chúng tôi đã hình thành một phần mặt nền nhà ga là sàn bêtông, những chỗ còn lại là ụn đất đang tiếp tục được đào móc để đưa vào cần cẩu đem lên trên.
Công trình còn bề bộn hạng mục thi công, nhưng bề mặt sàn nhà ga rất sạch sẽ và ngăn nắp. Các tốp kỹ sư, công nhân đang đổ những mẻ bêtông sàn đáy nhà ga Bến Thành, gia cố sắt thép.
Đêm cuối năm Mậu Tuất, gần 100 kỹ sư, công nhân vẫn tập trung cao độ cho công việc. Người cắt thép, người vận hành cẩu trục - một cánh tay nối dài đưa những thanh thép xuống độ sâu gần 30m dưới lòng đất để xây dựng sàn đáy của nhà ga ngầm.
Hơn 50 công nhân len lỏi giữa ngổn ngang sắt thép để gò hàn, đan nối thép để chuẩn bị cho việc đổ bêtông sàn đáy. Ngay gần đó là một tốp công nhân khác đang đào đất và đổ vào thùng để chiếc cẩu trục vận chuyển đất lên trên.
Hoàn thành bãi đậu cho 32 đoàn tàu
Có thể nói hình hài tuyến metro số 1 mà nhiều người thấy rõ nét nhất là chiếc cầu metro uốn lượn trên cao bên hông xa lộ Hà Nội. Chiếc cầu metro xuất phát từ điểm đầu là nhà ga Ba Son (nhà máy Ba Son cũ, Q.1), theo rạch Văn Thánh ra đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), vượt sông Sài Gòn đi bên xa lộ Hà Nội (Q.2, 9 và Thủ Đức), rồi đến Suối Tiên (Q.9) dài 17,1km.
Nhìn từ bên dưới cầu, ít ai biết được bên trên chiếc cầu bêtông ở tuyến metro này đang có hàng chục kỹ sư và công nhân hối hả lắp đặt hai làn đường ray sắt cho mỗi chiều đoàn tàu metro đi và về khu vực trung tâm.
Để lên được chiếc cầu metro trên cao này, chúng tôi phải lên nhà ga metro An Phú (Q.2) mới biết được công trình đã và đang thi công lắp đặt đường ray metro từ điểm đầu xa lộ Hà Nội đến đoạn đường ray nối giữa nhà ga Phước Long và nhà ga Công Nghệ Cao.
Theo các kỹ sư công trường, đến nay công trình đã lắp được khoảng 6.000m đường ray và đổ 2.700m nền bêtông đường ray tại các đoạn từ nhà ga Phước Long và nhà ga Thủ Đức.
Trên công trường lúc này, các kỹ sư người Việt, người Nhật đang kiểm tra chất lượng những đoạn ray vừa được lắp đặt. Họ cắt và lắp thử những đoạn ray nhỏ để kiểm tra chất lượng, khả năng chịu lực của ray...
Từng đoạn khung ray dài 200m sau đó sẽ được tiếp tục lắp để nối dài thêm cho tuyến đường sắt này. Dưới cái nắng trưa gay gắt, hàng chục kỹ sư, công nhân vẫn tiếp tục thảo luận, kiểm tra từng đoạn khung ray nhỏ.
Bộ phận "đầu não" của tuyến metro số 1 chính là depot Long Bình - trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe đặt trên diện tích 22ha ở Q.9, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tại đây đã xây dựng xong phần thô của tòa nhà cao tầng - trung tâm điều hành OCC - là nơi các kỹ sư làm việc quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của các đoàn tàu trên tuyến metro số 1.
Theo kỹ sư công trường, kế hoạch trong năm 2019 và 2020 sẽ lắp đặt các thiết bị điều hành điện tử tự động, hệ thống camera giám sát hoạt động các đoàn tàu metro...
Khu trung tâm điều khiển công trình đã cơ bản hoàn thành bãi đậu tàu có sức chứa 32 đoàn (mỗi đoàn tàu có 6 toa), khu vực xưởng sửa chữa (duy tu bảo dưỡng đầu máy toa xe, các thiết bị cơ điện, hệ thống thông tin, tín hiệu)... cũng đã dần hoàn thành.
Khu vực xưởng sửa chữa được đầu tư xây dựng rộng lớn, với diện tích khoảng 21.560m2, trong đó tầng trệt có diện tích 18.500m2 (74 x 250m) lắp đặt các thiết bị bảo dưỡng đầu máy toa xe. Tầng 1 có diện tích 3.060m2 (18 x 170m) bao gồm phòng huấn luyện, văn phòng và nhà kho. Những hạng mục này đều đã hoàn thành xây dựng.
Kiến nghị tạm ứng thêm 2.200 tỉ đồng
Chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu năm cũng như việc trở lại làm trưởng ban, ông Bùi Xuân Cường cho biết vướng mắc lớn nhất của tuyến metro số 1 là tính pháp lý.
Do dự án chưa được thông qua tổng mức đầu tư nên vốn cấp cho dự án gần như không đủ triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án, xảy ra tình trạng nợ nhà thầu thi công. Chưa kể tình hình nhân sự cho tuyến metro này vào cuối năm 2018 có nhiều xáo trộn, hàng chục trường hợp đã nghỉ việc...
Vì nhiều lý do như trên nên mục tiêu đặt ra cho dự án metro số 1 phải đạt là 65% tiến độ trong năm 2018, nhưng thực tế chỉ đạt được 62%.
Theo ông Cường, hiện các bộ ngành, TP.HCM đang nỗ lực hoàn thành thủ tục pháp lý cho việc điều chỉnh này để có thể sớm sử dụng nguồn vốn tiếp theo triển khai dự án. Trong thời gian chờ đợi việc hoàn tất thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư để được cấp vốn tiếp theo, ông Cường cho hay trong năm 2019 đã kiến nghị UBND TP tiếp tục tạm ứng thêm 2.200 tỉ đồng để triển khai dự án.
"Chính vì vậy, thay vì theo kế hoạch năm 2019, tiến độ dự án metro số 1 hoàn thành 77%, tập thể MAUR đã thể hiện quyết tâm hoàn thành 80% tiến độ. Có như vậy, dự án metro số 1 mới kịp lăn bánh vào cuối năm 2020 như đã cam kết" - ông Cường khẳng định.
Liên quan vấn đề nhân sự, ông Cường cho biết dù đã xốc lại đội ngũ như hiện tại ban quản lý có 168 người, vẫn còn thiếu nhân sự. Một số trường hợp xin nghỉ việc nhưng chưa có quyết định nghỉ nay đồng ý sẽ trở lại làm việc bình thường.
Để thu hút người tài về làm việc, hiện ban đang xin UBND TP.HCM cơ chế đặc thù, loại hình riêng để tuyển dụng lao động có chất lượng cao.