Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng và BĐS thuộc bộ này trong năm 2012, số đơn vị có lãi vẫn khá cao, với 42.197 doanh nghiệp, chiếm tới hơn 80% số đang hoạt động. Có lẽ, do làm ăn được nên số doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2012 cũng tăng mạnh so với năm trước, từ 42.197 lên 52.746, tăng tới 22%.
Phải nói những con số sáng sủa - hơn 80% tổng số doanh nghiệp xây dựng và BĐS làm ăn phát đạt; số lượng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng tăng tới 22% - khác hẳn với bức tranh BĐS u ám trong thời gian qua.
Nào là hàng triệu tỉ đồng đang “chôn” trong BĐS, nào là nợ xấu BĐS là một “cục máu đông” nguy hiểm của nền kinh tế… Chính vì lo sự đóng băng của thị trường BĐS có thể gây bất ổn nghiêm trọng cho kinh tế vĩ mô, cản trở sự phục hồi của cả nền kinh tế mà cả chính giới và giới kinh doanh nước ta thời gian qua đã phải đau đáu với câu hỏi làm thế nào để giải cứu thị trường này. Thủ tướng đã dẫn đầu một đoàn công tác của Chính phủ đến làm việc với 2 TP lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội để nắm tình hình, đặc biệt là tìm giải pháp cứu thị trường BĐS.
Trong số những giải pháp được đưa ra, thấy khá nhiều ý kiến - nhất là từ giới sản xuất, kinh doanh ngành xây dựng và BĐS cũng như giới chức ngành này - muốn “bơm” hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ đồng, để cứu thị trường này. “Tư lệnh” lĩnh vực xây dựng trong phiên giải trình tại Quốc hội ngày 24-1 vừa qua cũng đề nghị “tháo nút thắt tín dụng” với BĐS.
Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến khác lại lo ngại “bơm” tiền cứu BĐS có thể chỉ giải cứu giới đầu cơ, lợi ích nhóm - nhóm từng thu siêu lợi nhuận khi đẩy giá BĐS lên mức phi lý để rồi dẫn tới tình trạng “đóng băng” như hiện nay. Những ý kiến này xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp BĐS thay vì hạ giá để tự cứu mình lại cứ “cố thủ” giữ giá cao chót vót để đợi được… giải cứu.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường BĐS hiện nay “đóng băng” là giá phi lý, vượt xa thu nhập của người dân. Thế nên, sẽ chẳng một giải pháp nào có thể cứu được thị trường này nếu cứ khăng khăng “cố thủ” giữ giá để tiếp tục thu lợi nhuận. Muốn được giải cứu, doanh nghiệp BĐS hãy tự cứu mình trước bằng cách đưa giá BĐS về đúng giá trị thực tế, phù hợp với mức sống của người dân.