30/10/2022 10:18 AM
Trong quý 3/2022, thị trường nhà đất tại khu vực miền Trung ghi nhận lượng giao dịch đất nền giảm sâu và giá đất nền trên thị trường thứ cấp cũng trong xu hướng giảm.

Một dự án bất động sản tại Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Giá và giao dịch đều giảm

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2022. Theo đó, thị trường nhà đất khu vực miền Trung ghi nhận số lượng giao dịch giảm sâu. Đồng thời giá nhà đất giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, nếu trong quý 2/2022 khu vực miền Trung ghi nhận 19.565 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, thì sang quý 3 chỉ còn 17.425 giao dịch. Ở phân khúc đất nền, nếu trong quý 2 có 69.088 giao dịch, thì đến quý 3 giảm mạnh, chỉ còn 18.789 giao dịch.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý 3 có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều như, quận Sơn Trà, Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng;...

Tại Đà Nẵng, dự án Sunneva Island (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 230 triệu đồng/m2; dự án One River (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 96 triệu đồng/m2.

Tại Khánh Hòa, dự án Khu đô thị biển An Viên (TP. Nha Trang) có giá khoảng 95 triệu đồng/m2; dự án KN Paradise Cam Ranh (TP. Cam Ranh) có giá khoảng 71 triệu đồng/m2.

Trong quý 3 vừa qua, khu vực miền Trung có 1 dự án nhà ở thương mại hoàn thành; 221 dự án với 95.941 căn nhà ở thương mại đang triển khai; 13 dự án với 3.585 căn nhà ở thương mại được cấp phép mới.

Hiện khu vực miền Trung có 10 dự án với 1.073 căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Một dự án căn hộ nằm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Ảnh: Lê Phước Bình

Nguồn cung sẽ tăng

Thời gian gần đây, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung đã điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020 – 2025. Qua đó, nguồn cung các dự án phát triển nhà ở tại khu vực này sẽ tăng mạnh.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đã điều chỉnh, bổ sung hàng loạt dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh Bình Định có 213 dự án quy mô 11.546ha, nay được điều chỉnh thành 509 dự án quy mô 6.985ha.

Thành phố Quy Nhơn có 53 dự án quy mô 9.451ha, nay được điều chỉnh thành 79 dự án với 1.394 ha; thị xã An Nhơn có 14 dự án quy mô 382 ha, nay được điều chỉnh thành 56 dự án quy mô 764 ha; huyện Tây Sơn có 16 dự án quy mô 152 ha, nay được điều chỉnh thành 31 dự án quy mô 524 ha; huyện Phù Mỹ có 5 dự án quy mô 81 ha, nay được điều chỉnh thành 99 dự án quy mô 972 ha;…

Tương tự, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đang tổ chức điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 vừa được phê duyệt.

Việc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lần này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản thành phố trong thời gian tới.

Ngày 18/10 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, Quảng Trị phấn đấu phát triển thêm từ 25.859-33.879 căn nhà ở, với tổng vốn đầu tư khoảng 30.461 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh này sẽ phát triển thêm từ 32.496-43.370 căn nhà ở, với tổng vốn đầu tư khoảng 43.481 tỉ đồng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022, với tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng khoảng 1 triệu m2 sàn tương ứng 13.398 căn.

Trong đó, nhà ở thương mại dự kiến tăng thêm khoảng 374.245m2 sàn tương đương với 3.742 căn; nhà ở xã hội dự kiến tăng thêm khoảng 39.609m2 sàn tương đương với 819 căn; nhà ở để phục vụ tái định cư dự kiến khoảng 25.200 m2 sàn tương đương với 420 căn; nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng dự kiến khoảng 589.167 m2 sàn tương ứng với 8.417 căn.

Tổng nguồn vốn để thực hiện khoảng 10.390 tỉ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại dự kiến 4.403 tỉ đồng; nhà ở xã hội dự kiến 315 tỉ đồng; nhà ở tái định cư dự kiến 273 tỉ đồng; nhà ở dân tự xây dự kiến 5.398 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, với 279 vị trí phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Trong đó, có 23 vị trí là các dự án đã có chủ đầu tư, đang triển khai với lượng sản phẩm dự kiến cung cấp ra thị trường trong giai đoạn 2021-2025 là 1.120 căn nhà ở riêng lẻ, tổng diện tích sàn 274.383 m2 và 8.159 lô đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng, tổng diện tích 1.171.596 m2.

Hiện Quảng Ngãi có 23 vị trí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến lựa chọn chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong giai đoạn 2021-2025 với tổng quy mô sử dụng đất 584,4 ha. Ngoài ra, tỉnh này còn có 233 vị trí khác dự kiến thực hiện các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong thời gian tới.

Nguồn cung đất nền tách thửa sẽ giảm?

Nhiều địa phương tại khu vực miền Trung đang tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu không xử lý hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (không cùng thửa đất ở) sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn,…

Đồng thời có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu yêu cầu UBND các quận, huyện quản lý chặt chẽ việc chia tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở, đặc biệt với diện tích đất chuyển mục đích sử dụng lớn bất thường, nhằm lợi dụng chính sách để trục lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp phân lô, tách thửa và chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp không đúng quy định, nhất là các trường hợp đầu cơ, trục lợi hoặc có hành vi chờ quy hoạch nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.