25/08/2013 9:17 AM
Người mua nhà đã thanh toán cho chủ đầu tư 20%-30% giá trị căn hộ nhưng chưa chắc được ngân hàng cho vay. Địa phương thì không dám xác nhận cá nhân chưa có nhà ở vì không có thông tin

“Anh chỉ cần cơ quan, chính quyền xác nhận chưa có nhà ở, chứng minh thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng là có thể vay được tiền tại nhiều ngân hàng (NH) để mua nhà diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2” - một nhân viên môi giới của dự án nhà ở thương mại trả lời khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua căn hộ bằng cách vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng, lãi suất 6%/năm, thời hạn vay 10 năm.

Đủ thứ điều kiện

Ở dự án chung cư Green Hills của khu đô thị mới Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP HCM, nhân viên của dự án giới thiệu với chúng tôi một căn hộ sắp hoàn thiện, diện tích 65 m2 và giá bán 13,5 triệu đồng/m2.
Cá nhân muốn vay được tiền từ gói 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ thì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe.
Trong ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
“Do dự án đã có liên kết với NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nên khách hàng sẽ vay được tiền từ NH này. Chủ đầu tư có thể hỗ trợ làm thủ tục vay tiền nhưng ít nhất khách hàng phải có vốn đối ứng 30% giá trị căn hộ, có giấy xác nhận của cơ quan hay chính quyền địa phương về tình trạng chưa có nhà ở thì NH mới xem xét. Bước đầu, khách hàng thanh toán cho chủ đầu tư 30% giá trị căn hộ, sau đó NH sẽ giải ngân 70% còn lại” - nhân viên của dự án Green Hills tư vấn. “Sau khi ký hợp đồng mua bán nhà nhưng nếu vì lý do nào đó NH không cho vay thì sao?”. Nghe chúng tôi thắc mắc, nhân viên này khuyến cáo: “Các anh nên tiến hành các thủ tục vay tiền trước và khi nào NH thông báo cho vay mới ký hợp đồng”.

Theo chỉ dẫn của nhân viên dự án Green Hills, chúng tôi đến BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn (TP HCM), trình bày rằng đang ở chung nhà với cha mẹ, muốn mua nhà ở riêng nên cần vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng. Nhân viên của BIDV cho biết cá nhân có chung hộ khẩu với cha mẹ và cha mẹ đã có nhà ở thì không thuộc đối tượng được vay; cá nhân chưa có nhà ở nhưng có chung hộ khẩu với cha mẹ thì cần phải có giấy xác nhận cha mẹ chưa có nhà mới được xem xét.

Nhân viên của BIDV còn tư vấn thêm: “Giả sử anh là đối tượng được vay thì ngoài việc thẩm định thu nhập, năng lực tài chính, NH còn phải thẩm định chất lượng dự án, uy tín của chủ đầu tư… mới quyết định cho vay. Kế tiếp, NH - người mua nhà - chủ đầu tư ký cam kết 3 bên. Theo đó, NH cam kết cho vay và giải ngân theo từng đợt. Chủ đầu tư phối hợp NH quản lý căn hộ. Người mua nhà và chủ đầu tư cam kết hợp tác với NH thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản thế chấp là căn hộ được hình thành trong tương lai”.

Trong khi đó, tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Gia Định (TP HCM), một nhân viên tiết lộ hầu hết khách hàng không vay được tiền với lãi suất 6%/năm là vì chính quyền địa phương không dám xác nhận họ chưa có nhà ở. Đó là chưa kể phải có hợp đồng mua bán nhà mới được NH xem xét. Tuy nhiên, NH có thể từ chối cho vay nếu qua thẩm định xét thấy căn hộ mà khách hàng đã mua thuộc dự án không tốt; chủ đầu tư có thể kéo dài thời gian thi công hoặc giao nhà trễ trong nhiều năm trong khi khách hàng không biết lúc nào mới có sổ hồng. Nếu chẳng may trong thời hạn vay tiền, khách hàng mất khả năng trả nợ thì NH ôm “sô”.

Thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng: Đừng mơ!

Đến NH Công Thương Chi nhánh 9 (TP HCM), chúng tôi được nhân viên tín dụng tư vấn là nếu đã lọt vào đối tượng được vay tiền thì NH cũng chỉ cho vay 50% giá trị căn hộ nhưng sau khi khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư 50% giá trị căn hộ, NH mới giải ngân số tiền cho vay. Tiêu chí tài chính mà NH Công Thương đặt ra đối với mỗi cặp vợ chồng có 2 con nhỏ là chi phí 2,5 triệu đồng/người/tháng; các chi phí phát sinh thêm khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng cộng với mỗi tháng bên vay phải trả cho NH cả vốn và lãi hơn 3 triệu đồng. Tính ra, thu nhập hộ gia đình gồm 4 nhân khẩu phải chứng minh thu nhập 15 triệu đồng/tháng mới được NH cho vay.

Do số tiền cho vay là của Chính phủ nên nhiều ý kiến cho rằng không thể trách cứ NH đưa ra điều kiện vay quá khắt khe vì nếu không thu hồi được vốn thì NH sẽ lãnh đủ. Nhiều chủ đầu tư không hợp tác với NH vì không chấp nhận mua lại căn hộ khi người vay mất khả năng trả nợ. Từ đó, NH không thể xử lý được tài sản thế chấp và không dám cho vay. Mặt khác, NH cũng không dám liên kết với chủ đầu tư để cho vay nếu năng lực hoạt động của chủ dự án quá yếu…

Một số NH sẵn sàng cho vay mua căn hộ tại các dự án mà NH đã liên kết nhưng chưa chắc khách hàng đã chọn mua căn hộ của dự án đó. Đây là các nguyên nhân khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói cho vay 30.000 tỉ đồng.

Doanh nghiệp dễ vay hơn người thu nhập thấp

Mới đây, NH Nhà nước, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các NH thương mại có liên quan đã họp đánh giá kết quả sau 2 tháng thực hiện gói cho vay 30.000 tỉ đồng. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng thị trường thiếu nguồn cung nhà ở trung bình, nhà ở xã hội nên tiến độ giải ngân rất chậm. Trong lúc đó, tại TP HCM còn cả ngàn căn hộ thuộc diện vay vốn ưu đãi. Số liệu của NH Nhà nước cho thấy tính đến giữa tháng 8, các NH chỉ mới cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỉ đồng và trong đó giải ngân chỉ gần 49 tỉ đồng. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng cho 2 khách hàng với số tiền 658 tỉ đồng và đã giải ngân cho một doanh nghiệp với số tiền 34,3 tỉ đồng; Agribank đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ với số tiền 50 tỉ đồng.

Thy Thơ (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.