Sau hàng chục năm triển khai, việc giãn dân phố cổ Hà Nội vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó hàng nghìn căn nhà ngày càng xuống cấp, cuộc sống của người dân thêm khó khăn...

Cuộc sống bên trong ngôi nhà số 47 Hàng Bạc

Nhiều căn nhà xuống cấp nghiêm trọng

Chị Thuý An - cô dâu về với phố cổ Hàng Bạc hơn 25 năm cho biết, chị từng bị “sốc” khi lần đầu tiên đến ra mắt gia đình chồng vì không gian sống nhỏ hẹp ở đây.

Chị An chỉ vào “nhà” của bố mẹ chồng dưới nhà, gọi là “nhà” cho sang trọng nhưng thực tế 4 bức tường đều “hở đầu hở đuôi”, mái tôn tạm bợ. 2 bên cột nhà bằng gỗ từ xưa sau vụ cháy từ năm 2010 vẫn phải giữ nguyên trạng rồi sơn trát lên, một cột bị hỏng phải thay bằng sắt thép.

Không sung sướng gì hơn, chị Hường (người dân trên tầng 2 nhà 47 Hàng Bạc) cho biết, sau vụ hỏa hoạn, chiếc cầu thang gỗ làm lối lên nhà bị cháy hoàn toàn, chị phải xin lắp một chiếc cầu thang sắt thay thế. Đến nay, phần nhà cháy ở tầng 2 đã dỡ đi, chỉ còn trơ trọi căn nhà của chị.

Trước Tết năm nay, cơ quan chức năng mới cho lợp mái tôn, hàn vài cột kèo chống đổ sập nhà, người dân mới yên tâm hơn.

Chị Thúy An cho biết thêm, nhà 47 Hàng Bạc trước đây có 20 khẩu, nay chỉ còn hơn 10 nhân khẩu. Lý do bởi người già mất đi, người trẻ thì có điều kiện, có cơ hội là mua ngay nhà bên ngoài để ở, họ sợ ở nơi nguy hiểm như thế này.

Ngay cả những người dân sống sát ngôi nhà 47 Hàng Bạc cũng bức xúc vì không thể sửa chữa gì. “Nhà chung tường chung vách, dựa vào nhau, mưa to dột cả sang nhà tôi. Thế nhưng không thể sửa chữa vì phải bảo tồn”, một người dân cho hay.

Cách đó không xa, sâu trong ngõ Phất Lộc (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) là căn nhà chưa đến 3m2 của một gia đình có 5 người. Một người nhà cho hay, nhà hẹp cả 2 chiều nên đi ngủ cả nhà chưa bao giờ duỗi thẳng được chân.

Nếu muốn thì bắt buộc phải gác chân lên tủ lạnh, hoặc nằm kiểu nửa trong nhà, nửa ngoài sân. “Hương vị” phố cổ cũng rất đặc trưng, lúc trời nồm thì mùi ẩm mốc, trời nóng nực thì mùi nhà vệ sinh xộc ra…

Dự án giãn dân bất động

Đa số người dân ở khu phố cổ có nguyện vọng được chuyển đến nơi ở mới. Chị Thúy An cho biết, ngoài những người có mặt tiền kinh doanh, những người không làm ăn buôn bán thì chỉ mong sớm được ở “nhà ra nhà, sống ra sống”.

Từ năm 1998, UBND thành phố Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.

Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, khu đô thị (KĐT) Việt Hưng mặc dù có khá nhiều tòa nhà thương mại, nhà tái định cư được xây dựng ở đây nhưng KĐT dành cho giãn dân phố cổ vẫn chưa được khởi công. Khu vực này đến nay vẫn là bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Một nguyên lãnh đạo phường Việt Hưng cho biết, lô đất này trước đây của Tổng Cty HUD sau đó bàn giao lại cho địa phương rồi chủ đầu tư. Sau đó làm lễ động thổ rình rang có các lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư đến nhưng từ đó đến nay không thấy động tĩnh gì.

Triển khai dự án trong năm 2019

Trả lời cử tri về việc chậm trễ trong thực hiện đề án giãn dân phố cổ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính, dính đến sai phạm - lừa đảo, đã bị cơ quan pháp luật khởi tố.

Ông Chung cũng khẳng định, thời gian qua thành phố chỉ đạo quyết liệt quận Hoàn Kiếm về vấn đề này. Hiện đã thông qua được phương án kiến trúc, đề án quy hoạch giai đoạn 1 của dự án di dân phố cổ tại quận Long Biên.

“Thành phố đang giao cho quận Hoàn Kiếm kêu gọi đầu tư vào dự án này theo tinh thần đặt hàng để xây dựng theo tiêu chí nhà thương mại. Đảm bảo tiêu chuẩn cao theo ý kiến của người dân”, ông Chung nói.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện quận đang trình thành phố phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án, dự kiến triển khai KĐT giãn dân Việt Hưng trong năm 2019.

Cùng lúc đó, UBND quận đã di dời được 200 hộ dân với 1.000 nhân khẩu trong khu phố cổ. Chủ yếu là các hộ dân ở trong di tích: đền, chùa, có yếu tố thờ cúng, trường học.

Trần Hoàng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.