Ông Bùi Văn Xuyền - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Bùi Văn Xuyền - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc - cho biết chiều tối qua 7-6, thường trực ủy ban này đã họp để rà soát lại các nội dung, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 8-6, ông Xuyền cho biết về vấn đề đất đai, khả năng lớn là ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu, giảm thời hạn cho thuê/giao đất xuống 70 năm như các khu kinh tế khác hiện nay và như Luật đất đai hiện hành.
Trước khả năng này, ông Bùi Văn Xuyền cũng thừa nhận là "đặc khu như vậy chẳng còn gì đặc biệt nữa".
Đặc khu còn gì hấp dẫn?
"Nếu giao đất quy định chung theo Luật đất đai, thì ở các đặc khu chỉ còn xác định đưa ra một số ngành nghề được khuyến khích ưu đãi đầu tư vì mang tính đặc thù, cụ thể ưu đãi về thuế, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Còn lại, những nội dung nào không xác định thuộc ngành nghề khuyến khích ưu tiên thì được tự do hoạt động nếu pháp luật không cấm", ông Xuyền nói.
Như vậy, theo ông Xuyền, điểm nổi trội còn lại của các đặc khu là các ưu đãi về thuế, cơ chế thông thoáng, tư pháp nhanh gọn...
"Môi trường kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư,là điều quan nhất và Chính phủ cũng xác định đó là những yếu tố quan trọng nhất, chứ ưu đãi về thuế, đất đai không phải là mấu chốt", ông Xuyền nói.
"Các nhà đầu tư chiến lược đến nay cũng bày tỏ họ không quan tâm nhiều đến những ưu đãi mà quan tâm tới môi trường đầu tư, tức cơ chế chính sách phải thông thoáng, nhanh gọn, minh bạch và đảm bảo cho yêu cầu sản xuất kinh doanh".
Còn phải sửa luật nhiều
Với mục đích xây dựng luật là để các đặc khu tương lai có thể cạnh tranh được với các đặc khu khác xung quanh nước ta và ở khu vực châu Á, ông Bùi Văn Xuyền cho biết Quốc hội và Chính phủ cũng xác định phải sửa đổi luật cho phù hợp với từng giai đoạn.
"Kinh nghiệm của các nước, như Hàn Quốc, trong 10 năm làm đặc khu họ cũng sửa rất nhiều, cụ thể là 6 lần, nên chúng ta nếu cầu toàn, luật này ban hành xong cứ thực hiện ổn định, lâu dài thì không hợp lý,vì bản chất của kinh tế là diễn biến, thay đổi rất nhanh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", ông Xuyền nói.
Theo ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, làm luật phải trên cơ sở tham khảo, lắng nghe các ý kiến một cách có trách nhiệm, không phải đưa ra rồi là quyết,nên việc người dân, cử tri quan tâm góp ý, tham gia luật là điều bình thường.
"Những gì ưu đãi trong luật đều đã rất rõ, những gì không quy định trong luật này thì chấp hành theo hệ thống pháp luật đang có. Ví dụ vấn đề quốc phòng an ninh, nhà đầu tư đến là phải chấp hành luật pháp của ta không phải muốn làm gì thì làm, dù môi trường là thông thoáng để hoạt động kinh doanh được tự do nhưng vẫn trong giới hạn", ông Bùi Văn Xuyền nhắc lại.
"Các nước xung quanh ta đã làm rất nhiều, góp phần tạo ra các cực tăng trưởng. Ta cũng không phải đến giờ mới đặt ra, mà từ nghị quyết các đại hội đảng và Hiến pháp 2013 đều đề cập. Trên cơ sở đó, luật này là để cụ thể hóa, cũng là xu hướng chung để xây dựng đất nước trong thời kỳ mới".