Trao đổi với báo giới về tỉ lệ lãi suất cho vay, Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Mặt bằng lãi suất đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Cung - cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao, ngân hàng thương mại cũng không cho vay ra được”. Như vậy, lạm phát giảm sẽ kéo theo lãi suất giảm. Nhưng một yếu tố ngược lại là lãi suất giảm, lạm phát sẽ giảm theo.

Từ trước tháng 8, lãi suất huy động ngân hàng cao ở mức khá cao. Nếu ngân hàng thư ơng mại niêm yết lãi suất huy động là 14%/năm, nhưng thực tế không như vậy mà sẽ có mức theo thỏa thuận tùy lượng tiền khách hàng có. Nhưng sau khi ngân hàng Nhà nước có chỉ thị nghiêm khắc thực hiện trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm, tình hình chạy đua giữa các ngân hàng đã giảm nhiệt.


Giảm sức “nóng” lãi suất, lạm phát giảm theo
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Nam Anh)

Bà Quý Thảo (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho biết, vì là khách quen của ngân hàng V. và gửi với số tiền lớn nên bà được nhân viên ở đây chào lãi suất huy động là 17%/năm. Nhưng giờ, nếu muốn gửi với lãi suất như vậy khó bởi bà nghe nói ngân hàng buộc phải thực hiện đúng niêm yết lãi suất huy động là 14%/năm.

Về lý do các ngân hàng luôn vượt rào lãi suất, theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội), các ngân hàng chịu sức ép cạnh tranh nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động. Do mức lãi suất huy động trần danh nghĩa thấp, không tuân theo nguyên tắc lãi suất thực dương, khiến các ngân hàng luôn phải tìm các chiêu “lách luật, lách trần”. Từ đó, tạo sự căng thẳng khả năng thanh khoản, buôn bán vốn lòng vòng, thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tín dụng; tức gây cảnh “mất nhiều hơn được” trong theo đuổi các mục tiêu điều hành lãi suất của NHNN.

Mặt khác, các ngân hàng chịu sức ép tìm kiếm khách hàng đủ sức chịu lãi vay cao, khiến dòng vốn tín dụng ngân hàng bị dồn tụ, tập trung thái quá bất chấp nguyên tắc an toàn vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất.

Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 15-18%), tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm dần theo mức giảm của lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, hệ thống ngân hàng bắt đầu có chuyển biến.

Ngày 26/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trủ trì cuộc họp với 12 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam về các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011. Tại cuộc họp, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm; và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9/2011.


Giảm sức “nóng” lãi suất, lạm phát giảm theo
Doanh nghiệp sản xuất được vay với mức 17%-19%. (Ảnh: Nam Anh)

Đến ngày 13/9, đồng loạt các ngân hàng công bố lãi suất cho vay giảm.


Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Quyết định số 6239/NHNo-KHTH quy định lại các mức lãi suất áp dụng từ ngày 12/9/2011 đối với tất cả các khoản vay tại Agribank.

Cụ thể, với các khoản vay ngắn hạn, Agribank áp dụng lãi suất từ 17%/năm đến 19%/năm. Trong đó, lãi suất áp dụng cho khách hàng hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu là 17%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu là 18%/năm.

Đối với các khoản vay trung hạn, lãi suất áp dụng cho khách hàng là hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu là 18,5%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu là 19,5%/năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả các khách hàng tối thiểu là 20,5%/năm.

Các khoản vay để phục vụ hoạt động không phải là sản xuất kinh doanh, Agribank áp dụng mức lãi suất 20,5%/ năm.

Trước đó, từ ngày 6/9, ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) chính thức công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, cho vay ngắn hạn không quá 18,0%/năm. Cho vay trung dài hạn không quá 19,0%/năm. BIDV dành 10.000 tỷ VND cho vay ngắn hạn cho các khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV, với lãi suất ưu đãi từ 15,0% - 17,5%năm.

Cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản tối thiểu 19,0%/năm đối với ngắn hạn và 19,5%/năm đối với trung dài hạn.

Trước khi có làn sóng giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ như hiện nay, trao đổi với VTC News, TS Nguyễn Minh Phong nói: “Do mức lạm phát cao trên thực tế và bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương để chống lạm phát tiền tệ, cũng như do sức ép thanh khoản của các ngân hàng nên nhu cầu duy trì lãi suất tín dụng bằng VND ở mức cao vượt trần 14% của hệ thông ngân hàng sẽ còn tiếp tục ít nhất đến hết quý III/2011.

Mức lãi suất này sẽ vẫn cao trước khi có dấu hiệu cải thiện hạ dần lãi suất tín dụng ngân hàng thương mại do sức ép lạm phát dịu dần trong thời gian tới”.

Tuy không thể phủ nhận vai trò của NHNN trong việc nghiêm khắc với các ngân hàng thương mại trong hoạt động huy động vốn với lãi suất trần huy động là 14%/năm. Nhưng liệu mức trần được áp này có phải là thấp không khi lượng tiền đang được rút ra từ ngân hàng để đầu tư sang vàng và chứng khoán? Điều này cần sự nghiên cứu và quyết định từ phía NHNN.

Còn TS Nguyễn Minh Phong khẳng định: Chúng ta cần xác lập trở lại trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động, điều hành mềm dẻo có nguyên tắc để từng bước tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn cả 2 loại trần lãi suất là việc cần làm và làm tốt hơn trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát.

Theo Nam Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.