Kể từ tháng 3 năm nay, lãi suất huy động đã qua 4 lần được điều chỉnh giảm với tổng cộng 5%. Mới đây, trong Báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2012, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiếp tục khuyến nghị giảm lãi suất cơ bản và trần ngắn hạn thêm 1%.
Theo lý giải của cơ quan này, có 3 cơ sở chính để giảm ngay lãi suất. Thứ nhất, lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm vào cuối năm. Thứ hai, lạm phát đang được kiểm soát chặt và giảm dưới mức 8%. Cơ sở thứ ba đó là tỷ giá ổn định, tình trạng đôla hóa giảm đáng kể và việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của người dân.
Ngân hàng sẵn sàng cho việc giảm lãi suất huy động thêm 1%. Ảnh: Hoàng Hà.
Chính phủ dự kiến tuần này họp bàn cân nhắc khả năng giảm lãi suất. Và nếu trần huy động ngắn hạn được giảm về 8% một năm, tức là lãi suất huy động được hạ tới 6 điểm phần trăm trong năm nay. Trên thực tế, trước khi có đề nghị này đã có nhiều ngân hàng lớn nhỏ để lãi suất huy động tối đa cho kỳ hạn ngắn không quá 8,8%, thậm chí 8,5% mỗi năm. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay của các nhà băng cũng dần hình thành quanh mức dưới 12% kể cả cho vay tiêu dùng để mua nhà.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định đã sẵn sàng cho việc giảm lãi suất. Một lãnh đạo của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho hay: "Ngân hàng sẵn sàng hạ lãi suất theo tinh thần chung. Giảm chi phí đầu vào tức là chúng tôi sẽ có cơ hội để giảm lãi suất đầu ra và khả năng tín dụng tăng trưởng sẽ càng nhiều hơn".
Cũng với tinh thần trên, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết giảm thêm lãi suất không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng nói chung và việc huy động vốn nói riêng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Đông Trịnh Văn Tuấn còn phân tích, hiện nay tín dụng tăng khá chậm. Do đó, giảm trần huy động về 8% sẽ tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay nhằm tăng trưởng tín dụng là điều cần thiết.
Theo ông Tuấn, với trần này, trong điều kiện hoạt động ngân hàng diễn ra bình thường, nợ xấu dưới 3%, thì lãi suất cho vay dao động khoảng 11% ( tức sẽ bằng 8% cộng với biên độ khoảng 3%) doanh nghiệp sẽ chấp nhận được.
Về phía nhà băng, Chủ tịch OCB cũng tỏ ra khá lạc quan đến vấn đề thanh khoản. Ông cho biết, đến thời điểm hiện nay, tín dụng của nhà băng mới tăng trên dưới 10%, hệ số an toàn vốn (CAR) khá cao, đạt gần 20%. "Nếu trần huy động ngắn hạn giảm xuống 1% nữa sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng", ông nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng nhấn mạnh, với những tín hiệu lạm phát kiềm ở mức thấp, thanh khoản ngân hàng thời gian qua khá ổn định, các kênh đầu tư vàng, ngoại hối đã không còn là sự lựa chọn của hầu hết các nhà đầu tư... nhiều ngân hàng đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc giảm lãi suất. "Nếu trần huy động ngắn hạn giảm xuống 8% một năm sẽ không gây xáo trộn đối với hoạt động huy động vốn của nhà băng", ông Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, những người đứng đầu các nhà băng không ngần ngại nói thẳng, giờ lãi suất giảm cũng không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội vừa được tăng "room" tín dụng lên gần 30% cho biết: "Vấn đề hiện nay không còn là lãi suất nữa, cái chính là cho ai vay bây giờ? Nay ngân hàng không thể cho vay mọi đối tượng để nhận về những rủi ro cao hay lao vào tài trợ các dự án tốn kém như trước được".
Vấn đề hiện nay của doanh nghiệp không chỉ là lãi suất mà quan trọng là bài toán tìm đầu ra cho hàng tồn kho. Ảnh: P.V.
Đồng quan điểm này, một lãnh đạo trong ban điều hành của VPBank nhận định, nếu giảm lãi suất thì mới chỉ kích sản xuất, kích cung chứ chưa kích cầu. "Hơn nữa, cái doanh nghiệp cần bây giờ là có đầu ra cho hàng hóa, cần người tiêu thụ sản phẩm chứ không phải cần vốn để mở rộng sản xuất. Theo tôi, ngoài giảm lãi suất nên tìm các phương án giải phóng hàng tồn kho cho họ", vị này nhìn nhận.
Về câu chuyện giảm lãi suất, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lãi suất không còn là điểm "tắc nghẽn" của doanh nghiệp nữa. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, đáng lẽ ra lãi suất phải giảm từ lâu rồi chứ không phải chờ đến bây giờ.
"Nay câu chuyện đã chuyển sang việc doanh nghiệp có hấp thụ được vốn không. Việc giảm lãi suất lần này sẽ chỉ tác động được một phần nào thôi. Quan trọng là doanh nghiệp có biết dùng vốn để làm gì hay không? Việc giảm 1-2 điểm % chỉ như muối bỏ bể trong việc tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp. Vấn đề là phải giảm hàng tồn kho để họ thu tiền về và dám đầu tư sản xuất tiếp", ông Lai phân tích.