Ai sẽ tiếp bước Đại Thanh?
Bắt đầu từ quý IV/2012, khách hàng trực tiếp gặp chủ đầu tư thông qua các cuộc mở bán, hội chợ BĐS hoặc phiên giao dịch BĐS để thỏa hiệp và mua bán căn hộ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây chính là thời điểm của các nhà đầu tư thể hiện bản lĩnh của mình trong việc đưa ra giá cả hợp lý cũng như chính sách bán hàng đa dạng. Về phần mình, những người mua nhà thực sự, đây được xem là thời điểm không thể tốt hơn để lựa chọn.
Những hình ảnh đông đúc chen lấn giữa khách hàng, nhân viên kinh doanh và cả cò nhà đất đã quá quen thuộc tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh mỗi khi chủ đầu tư tung ra mức giá mới đối với sản phẩm chung cư Đại Thanh (thấp hơn mức giá trước đó). Nhưng lần mở bán căn hộ với mức giá 10 triệu đ/m2 thì lại càng đặc biệt tấp nập. Khách hàng vẫn được tư vấn chu đáo về sản phẩm, và đến lúc đặt mua, thì vô số khách hàng lại có mặt trước cánh cửa văn phòng đăng ký với mong muốn đăng ký trực tiếp căn hộ với chủ đầu tư. Việc khách hàng có thể trực tiếp đăng ký với chủ đầu tư sẽ giúp khách hàng có thể mua được giá gốc sản phẩm mà không phải trả khoản chênh lệch. Ví như đối với căn hộ 47m2, tổng giá trị sẽ là 470 triệu đồng. Nếu qua tay cò đất, số tiền có lẽ sẽ tăng lên vài chục triệu - đối với những người làm công ăn lương “ba cọc ba đồng” chắc chắn là vấn đề lớn.
Lời bộc bạch của vị đại diện Cen Group, ông Phan Thành Hưng - Phó TGĐ - (thuộc nhóm G5 - đồng tổ chức phiên giao dịch BĐS có quy mô nhất 2012 tại Hà Nội từ 19 - 21/10 vừa qua) đã cho thấy quyết tâm thay đổi để tự cứu mình của những ông lớn trong làng địa ốc: Tôi rất hy vọng BTC cũng như các đơn vị chủ đầu tư sẽ mang tới cho khách hàng những sản phẩm đảm bảo giá trị thực, tính minh bạch và đáp ứng đúng nhu cầu về nhà ở của người dân: giá thành hợp lý, chất lượng xây dựng đảm bảo, người dân mua vào ở ngay cộng với sự hỗ trợ của nhiều công cụ tài chính với lãi suất rất thấp. Đây là cơ hội của rất nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở có thể giải quyết được nhu cầu của mình.
Phá giá BĐS: Không có gì phải ầm ĩ
Mong muốn của không ít chủ đầu tư đã được thực hiện qua phiên giao dịch BĐS công khai, minh bạch trong phiên hội chợ BĐS mới được Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp CLB BĐS Hà Nội và Liên minh 5 sàn BĐS (G5) tổ chức vừa qua. Theo nhiều người, đây có thể được coi là kênh bán hàng hiệu quả nhất trong thời điểm này. Xin dẫn lời của ông Nguyễn Viết Hải - Giám đốc Cty CP Đầu tư VIC - một đơn vị đã khá thành công trong 3 ngày sự kiện diễn ra: Các chủ đầu tư đều mong muốn mang sản phẩm đến bán, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Và quan trọng nhất, từ phiên giao dịch này, khách hàng đang củng cố, lấy lại niềm tin mua được sản phẩm với giá trị thực, giao dịch minh bạch, an toàn. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc sàn giao dịch BĐS DTJ nói: “Trong lúc BĐS quá trầm lắng như hiện nay, cần có những phiên giao dịch tập trung ở quy mô lớn để khách hàng đến đó có thể nhìn nhận chính xác hơn về các sản phẩm, mức giá cũng như chất lượng và mọi yếu tố xung quanh như pháp lý, tiến độ… Điều đó sẽ tạo niềm tin cho khách hàng trước khi ra quyết định giao dịch, đồng thời chứng minh cho họ không phải tất cả cánh cửa đều đã đóng lại.”
Trong lúc chờ đợi chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các DN BĐS đang phải tự tháo gỡ cho chính mình. Diễn biến của thị trường BĐS trong thời gian tới được dự báo là sự giảm giá thêm, thậm chí phá giá đối với một số sản phẩm của các DN trước sức ép phá sản. Sau những lời chỉ trích, mổ xẻ của không ít người về việc tại sao DN BĐS dường như đang bán phá giá để tự cứu, đích thân ông Vũ Đức Đam - người phát ngôn Chính phủ đã lên tiếng khẳng định việc hạ giá, đưa giá bán BĐS phù hợp hơn, để nhiều người dân có điều kiện mua nhà ở là giải pháp “một công đôi việc”. Như vậy, có thể nói, người mua hoàn toàn có thêm cơ hội để ngắm nghía và lựa chọn cho mình sản phẩm ưng ý nhất trong thời gian tới. Còn về phần mình, điều khó khăn nhất hiện nay là các KĐT ven đô, khu nhà chung cư tồn kho chưa thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Vì thế giá có xuống nữa cũng chưa làm cho người có nhu cầu bỏ tiền để mua.