Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc được một tổ chức tín dụng mạnh như CDB hỗ trợ cho vay vốn là yếu tố rất thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Biên bản ghi nhớ trên là bước đi đầu tiên giúp các doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp cận nguồn tín dụng đáng tin cậy, với lượng vốn lớn.
Hiện các điều khoản chi tiết về mức lãi suất cũng như điều kiện cho vay vẫn chưa được công bố. Hai bên sẽ thành lập các tổ công tác để tiến hành đàm phán về mức lãi suất và các điều kiện nhằm cụ thể hoá các nội dung ghi trong Biên bản ghi nhớ.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để giải quyết khó khăn về vốn cho các chủ đầu tư, Bộ đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn huy động khác, như vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (FDI), vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngay từ khi chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp được ban hành, đã có 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, với tổng mức đầu tư dự kiến 72.710 tỷ đồng. Nhu cầu lớn là vậy, nhưng đến nay, cả nước mới chỉ có 37 dự án nhà ở thu nhập thấp đã được khởi công xây dựng, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, một trong những trở ngại khiến số lượng dự án nhà thu nhập thấp chưa thể triển khai là do thiếu vốn. Việc triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà chủ yếu huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp. Do tình hình kinh tế trong hai năm 2009-2010 không thuận, nên nhiều dự án đã giậm chân tại chỗ. Hơn nữa, với các dự án nhà thu nhập thấp, các chủ đầu tư rất khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua; còn nếu áp dụng hình thức cho thuê, thuê mua thì thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài. Nhìn chung, các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn về vốn.
Để tháo gỡ khó khăn này, đầu năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ban hành danh mục 44 dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi với nguồn vốn hơn 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 5 dự án nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp được vay vốn, với tổng vốn 740,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB lý giải, tình trạng chậm giải ngân vốn vay cho các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp xuất phát từ nhiều lý do, trong đó chủ yếu do các chủ đầu tư dự án không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không thể thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo, không thể dùng làm tài sản thế chấp vốn vay…
Để tháo gỡ vướng mắc này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố sớm triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các chủ đầu tư làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.