18/12/2011 3:00 PM
Thị trường vàng thế giới đã lao dốc ngay từ phiên đầu tuần 12/12 khi giới đầu tư trên toàn cầu "đồng lòng" lo ngại về triển vọng của toàn khu vực châu Âu, bất chấp việc các lãnh đạo châu lục này vừa đạt được đồng thuận về một số kế hoạch nhằm giải quyết "núi nợ" tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) mới đây.
Giảm 6,60%, vàng lao dốc mạnh nhất 3 tháng qua
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư lo rằng, những thỏa thuận mà hội nghị đạt được, trong đó có những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn về ngân sách đối với khu vực Eurozone và việc thúc đẩy hội nhập kinh tế bên trong khu vực, không đủ để cải thiện tình hình bi đát của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã hai năm nay.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng yếu kém của kinh tế toàn cầu, sự mạnh lên của đồng USD, tình trạng thiếu tiền mặt vào dịp cuối năm, sự chao đảo của các thị trường hàng hóa và tài chính, cũng gây khó khăn cho thị trường vàng.


Đóng cửa phiên đầu tuần, tại New York, giá vàng giao ngay giảm 2,6% sau khi đã có rớt xuống 1.650,89 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ ngày 25/10, trong khi giá vàng giao tháng 2/2012 giảm tới 48,6 USD (2,8%) xuống 1.668,2 USD/ounce, cả hai đều đã lùi xa khỏi ngưỡng 1.700 USD/ounce.


Đà giảm tiếp tục mạnh hơn trong phiên 13/12 dưới áp lực tăng giá của đồng USD khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có vẻ ngày càng xấu đi và có thông tin về doanh số bán lẻ yếu kém tại Mỹ.


Trong phiên này, trên sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay để mất tiếp 2,6% trong khi giá vàng kỳ hạn giao tháng 2/2012 rơi xuống mức thấp mới trong bảy tuần qua, xuống 1.663,1 USD/ounce.


Trên thị trường cổ phiếu và tiền tệ, chứng khoán cũng có phiên giảm thứ hai liên tiếp và đồng euro thì rơi gần xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua so với đồng USD. Sức ép gia tăng lên thị trường vàng, khiến giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra, dìm giá vàng chìm sâu.


Theo nhà chiến lược hàng hóa thuộc Ngân hàng ANZ chi nhánh Singapore, ông Nick Trevethan, bao trùm thị trường là sự lo lắng và vàng đang chuyển động theo cùng hướng với nhiều mặt hàng khác như là loại tài sản rủi ro.


"Cơn lốc xoáy" đẩy giá vàng lên cao từ tháng Tám như là "nơi trú ẩn an toàn" gần như đã lặng và từ một vài tháng gần đây, vàng đã chuyển sang cùng xu hướng của các tài sản rủi ro.


Kim loại quý tạm "gượng dậy" trong phiên sáng 14/12 trên thị trường châu Á chủ yếu do hoạt động săn mua vào ở vùng giá hấp dẫn của các khách hàng châu Á, mặc dù không quá nhộn nhịp do đồng USD tăng cao so với hầu hết đồng tiền trong khu vực.


Tuy nhiên, ngay trong phiên chiều châu Á và trong các phiên cùng ngày tại châu Âu và Mỹ, nhân tố châu Âu lại tiếp tục nhấn chìm giá vàng. Thậm chí, mức lao dốc còn mạnh hơn khi tại COMEX, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 10/2011, giá vàng đã bị đẩy xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce.


Cụ thể, giá vàng giao tháng 2/2012 giảm 76,2 USD xuống 1.586,9 USD/ounce. Nếu so với mức 1.920 USD/ounce lập hồi tháng 9/2011, giá vàng tới thời điểm đó đã giảm tới 18%.


Nguyên nhân giá vàng đổ dốc và bị bán tháo trong phiên này, ngoài những yếu tố như trong các phiên trước, giá vàng còn phải chịu thêm sức ép khi lãi suất trái phiếu của Italy vọt lên mức cao mới - tới 6,47% trong đợt huy động 3 triệu euro trái phiếu kỳ hạn 5 năm - mức lãi cao nhất mà Chính phủ Italy phải trả kể từ khi đồng euro ra đời.


Ngoài ra, giáng "đòn chí tử" cho vàng trong phiên này là thông tin từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho hay FED sẽ không tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới. Điều đó có nghĩa là vàng sẽ không còn được hưởng lợi từ khả năng gia tăng lạm phát đi kèm với gói kích thích kinh tế nữa. Có điều, mặc dù giá vàng giảm sâu, nhưng lượng vàng tại quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust vẫn không đổi và vững ở mức 1.294,796 tấn trong ngày 14/12/2011.


Kim loại quý đảo chiều hồi nhẹ trở lại trong phiên 15/12 nhờ sự hậu thuẫn từ đợt bán trái phiếu thành công ngày 15/12 của Tây Ban Nha cùng những số liệu tích cực mới nhất của nền kinh tế đầu tàu Mỹ.


Bộ Lao động Mỹ ngày 15/12 cho biết, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 9/12) đã bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua, trong khi Bộ Thương Mại Mỹ cùng ngày công bố thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này trong quý III cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua, nhờ xuất khẩu gia tăng. Còn tại đợt đấu thầu trái phiếu của Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã bán được 6 tỷ euro (7,8 tỷ USD) trái phiếu, gần gấp đôi mục tiêu đặt ra trước đó chỉ là 2,5-3,5 tỷ euro.


Những thông tin tích cực này đã khiến tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ đang đi đúng hướng và làm dịu bớt nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone. Bức tranh sáng sủa này cũng "dựng dậy" tất cả các thị trường tài chính và hàng hóa trên toàn cầu, trong đó có vàng.


Chốt phiên 15/12 tại New York, giá vàng giao ngay tăng từ mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi lên 1.560 USD/ounce. Tuy nhiên, cũng trong phiên này, quỹ SPDR Gold Trust đã tranh thủ thoái bớt một lượng lớn vàng, đưa lượng vàng mà quỹ nắm giữ giảm 1,1% xuống mức thấp nhất trong một tháng qua về 1.279,98 tấn.


Tuy nhiên, phải sang đến phiên cuối tuần ngày 16/12, giá vàng mức thực sự "bừng tỉnh" khi đồng USD suy yếu hơn nữa và giới đầu tư quay trở lại săn vàng khi giá đã về vùng mức quá hấp dẫn sau bốn phiên đổ dốc liên tục trước đó.


Chốt phiên 16/12 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.600,49 USD/ounce, rời bỏ mức thấp nhất gần ba tháng qua được lập trong phiên trước là 1.560,36 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 1,31% lên 1.597,90 USD/ounce.


Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn giảm tới 6,60% so với tuần trước đó và là tuần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuối tháng Chín vừa qua. Còn tính từ đầu tháng đến nay, kim loại quý đã để mất 11% giá trị trong tháng 12 này và đang hướng tới tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng Chín vừa qua, đồng thời cũng là tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 2008, thời điểm mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở vào giai đoạn khó khăn nhất của nó.


Còn tại London, giá vàng chốt tuần giảm xuống 1.594 USD/ounce so với 1.709 USD/ounce của cuối tuần trước nữa. Giá các kim loại quý khác cũng đều giảm theo giá vàng, với bạc tụt xuống 29,78 USD/ounce so với 32 USD/ounce; bạch kim lùi về 1.424 USD/ounce so với 1.496 USD/ounce và paladi giảm xuống 624 USD/ounce so với 670 USD/ounce của cuối tuần trước nữa.


Nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng từ nay tới cuối năm có xu hướng không ổn định, thanh khoản kém, do nhiều nhà đầu tư đã gấp lại sổ sách và đứng ngoài cuộc chơi để chờ đợi một sự khởi động mới vào tháng 1/2012.


Ngoài ra, giá vàng cũng khó tăng mạnh vì các nhà đầu tư và các quỹ thường lao vào con sóng bán hàng hóa để thu hồi tiền về vào những ngày cuối năm.


Mặt khác, vào thời điểm này, giới đầu tư còn lo ngại các vấn đề của khu vực Eurozone sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2012 tới, từ đó đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và gây sức ép lên các thị trường hàng hóa vốn chủ yếu được định giá bằng đồng bạc xanh.
Theo Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.