Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có quyết định hạ lãi suất, ngày 13/3, các ngân hàng thương mại đã "nhận lệnh", đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VNĐ). Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là động thái thể hiện quyết tâm của NHNN.
Lãi suất có thể tiếp tục hạ trong các tháng tới. Ảnh minh hoạ
Giảm 1% khó tạo cú hích đáng kể
Theo thông tin từ NHNN, bắt đầu từ ngày 13/3, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 15% xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm.
Trao đổi với báo chí, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, quyết định giảm lãi suất lần này là phù hợp với các điều kiện khách quan cũng như chỉ đạo của Chính phủ khi điều kiện cần để giảm lãi suất là tốc độ tăng CPI đã chậm lại trong 2 tháng liên tiếp, còn điều kiện đủ là thanh khoản các ngân hàng đã ổn định trở lại.
Trước quyết định tăng giá xăng dầu tới 10% mới đây; giá than, điện cũng "nhấp nhổm" tăng giá, Thống đốc NHNN khẳng định việc tăng giá của một số mặt hàng tác động đến lãi suất đã được tính toán chặt chẽ. Việc tăng giá này nằm trong tầm kiểm soát, tác động của nó có thể sẽ bị triệt tiêu bởi những yếu tố thuận lợi trong nước khác.
"Thông điệp hạ lãi suất được NHNN đưa ra từ cuối quý IV năm 2011 và có thể hạ sớm hơn vào ngày 20/2/2012. Tuy nhiên, NHNN đã để thị trường tự bộc lộ chiều hướng giảm. Trên thực tế từ đó đến nay, ngoài những ngân hàng lớn, cả những ngân hàng nhỏ có tài chính lành mạnh đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Do vậy, thời điểm để hạ lãi suất lần này là hoàn toàn phù hợp", thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.
Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất.
Doanh nghiệp vẫn "khó nhằn"
Đánh giá về động thái hạ lãi suất lần này, trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Trương Văn Phước, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), tổng giám đốc Eximbank cho rằng, thực tế lạm phát của nước ta trong 4 - 5 tháng trở lại đây đã giảm nhiệt, CPI cũng giảm tốc. Trong khi đó lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đang ở mức cao do đó việc hạ lãi suất lúc này là một quyết định đúng đắn, kịp thời. Nó đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Bản thân các NHTM cũng cảm nhận được rằng, nếu không hạ lãi suất cho vay thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và các tổ chức tín dụng có thể cũng sẽ chịu chung cảnh ngộ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần cẩn trọng xem xét trong mối tương quan với các nhân tố tác động đến lạm phát như giá xăng dầu, giá điện... để đưa ra quyết định đúng đắn.
Không ít người đặt câu hỏi, với ngưỡng lãi suất như NHNN vừa công bố liệu có đủ sức giúp khả năng thanh khoản của các ngân hàng "vươn vai" đứng dậy, doanh nghiệp "thoát hiểm" hay không? Ông Phước cho rằng, câu chuyện giữa hạ lãi suất với thanh khoản có những vấn đề vừa tương đồng, vừa tương phản. Vấn đề thanh khoản của hệ thống NHTM phụ thuộc rất nhiều vào sự "điều tiết" của NHNN. Các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn để vượt ải ranh giới giữa tồn tại hay phá sản còn phụ thuộc chính bản thân DN. Việc hạ lãi suất lần này sẽ giúp "thanh lọc" các DN yếu kém. Hệ thống NHTM phải hết sức cẩn trọng trong việc xem xét những khách hàng, doanh nghiệp có khả năng hoàn trả vốn mới cho vay.
Theo vị nguyên vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, chuyện DN khó khăn không chỉ ở lãi suất mà còn rất nhiều nhân tố khác cùng tác động. Theo thống kê thực nghiệm, lãi suất chỉ chiếm từ 22 - 28% chi phí. "Nếu DN tiếp tục "sống" bằng vốn vay ngân hàng sẽ khó có lãi và tích lũy. “Bởi bên cạnh nguồn vốn, DN còn chịu áp lực do sức mua của thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng giảm, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng... "Sức khỏe" của DN phụ thuộc chính vào bản thân họ", ông Phước nói.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức hạ trần lãi suất 1% lần này chưa thể tạo ra cú hích đáng kể, lẽ ra phải giảm sớm hơn, nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Toại, việc hạ lãi suất cần cả một quá trình chứ không thể một lúc từ cao xuống thấp ngay được. Bài toán lạm phát sẽ trở nên nguy hiểm. "Việc hạ lãi suất lần này theo đánh giá của tôi sẽ có lợi cho cả nền kinh tế, các DN có thể tiếp cận vốn, NHTM cho ra được sản phẩm tín dụng. Người tiêu dùng cũng sẽ "vui lòng" đón nhận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý", ông Toại nói.
Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao nỗ lực hạ lãi suất lần này của NHNN. Tuy nhiên, mức giảm 1% vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đối với các DN, họ đã ở trong tình trạng khó khăn quá dài, chẳng khác gì "kiến bò chảo lửa" nên họ khó có thể tận dụng để vực dậy sản xuất, kinh doanh. Đối với bản thân các NH, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc hạ lãi suất chưa thể giải quyết ngay bài toán thanh khoản, nợ xấu... Công việc phía trước vẫn còn ngổn ngang trăm mối.
Ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, sau 2 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 2%, trong khi chỉ tiêu cả năm từ 15 - 17%. Điều đó chứng tỏ "sức khỏe" của các doanh nghiệp còn rất yếu, không hấp thụ nổi vốn. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của DN vốn đã khó khăn nay sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Đang có "chiêu" lách luật từ một số ngân hàng thương mại?
|
Ông Nguyễn Trọng Hạnh |
Liên quan đến câu chuyện tiếp cận vốn vay của các DN, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, việc khó hay dễ tiếp cận vốn hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân các DN. Doanh nghiệp nào "đàng hoàng" thì vay vốn sẽ dễ như trở bàn tay, còn DN không "đàng hoàng" sẽ khó "ngang lên trời". Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Trọng Hạnh, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bày tỏ bức xúc rằng những công bố của các NH về giảm lãi suất, gỡ khó về vốn cho DN như vừa qua "thật ra chỉ để cho báo đăng, cuối cùng nói dóc lừa nhau"?... Theo ông Hạnh, một số NH thương mại thường dùng “chiêu” ký hợp đồng tín dụng cho DN vay lãi suất 14%/năm, nhưng sau đó buộc DN ký một hợp đồng khác cho NH vay ngược lại một khoản nào đó với lãi suất chỉ 5-7%. Vay với lãi suất cao, cho vay lại với lãi suất thấp, thực chất DN phải trả lãi suất rất cao.