15/04/2016 3:01 PM
Hỗ trợ, bồi thường cao hơn chỉ giải quyết chuyện trước mắt. Điều quan trọng là phải đặt mình vào hoàn cảnh của dân mới giải quyết tốt được.
Sau bài viết “Giải tỏa, xây nhà rồi lại bị giải tỏa” đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 14-4, nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM cho rằng những trường hợp này phải được bồi thường với mức giá cao hơn. Ngoài ra, về căn cơ phải có cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự.
Chậm trễ nghiên cứu, dự án “đè” nhau
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện chủ đầu tư của hai dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, giai đoạn 1 (gọi là dự án cải tạo kênh Tham Lương) và cống điều tiết kết hợp âu thuyền Nước Lên thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương (gọi tắt là dự án âu thuyền) cho hay khi thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương thì mới có ý tưởng hình thành dự án âu thuyền.
“Lúc thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương thì mới nghiên cứu, khảo sát dự án âu thuyền. Dự án âu thuyền được UBND TP phê duyệt vào năm 2012, chấp nhận vị trí vào năm 2013, trong khi các hộ dân sắp bị giải tỏa lần hai đã bị giải tỏa từ năm 2010” - đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Chống ngập TP.HCM (gọi tắt là BQLDA) giải thích.
Theo vị này, dự án cải tạo kênh Tham Lương được UBND TP phê duyệt vào năm 2002. Hiện còn 34/3.212 hộ chưa giao mặt bằng. Dự kiến dự án hoàn thành vào cuối tháng 6-2016. Còn dự án âu thuyền được UBND TP phê duyệt vào tháng 9-2012. Để thực hiện dự án này phải giải tỏa hơn 11.800 m2. Ngoài ra, trong giai đoạn 2 của dự án cải thiện kênh phải giải tỏa thêm gần 8.500 m2 ở hai bên bờ kênh. Việc giải tỏa này làm ảnh hưởng đến khoảng 37 hộ vốn đã bị giải tỏa ở dự án cải tạo kênh.
“Do bị giải tỏa hai lần, một số hộ dân khiếu nại song vị trí dự án âu thuyền là tối ưu. Ở vị trí này, dự án mới ngăn triều, chống ngập và giải quyết ô nhiễm cho 14.900 ha của các quận 8, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND TP cho phép thực hiện dự án tại vị trí đã được duyệt” - đại diện BQLDA nói.
Căn nhà mới xây của ông Trần Kỳ Hòa và bà Trần Lương Thị Thế (bên trái), đều ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, sắp bị giải tỏa lần nữa. Ảnh: LÊ THOA
“Cam kết trách nhiệm khi giải tỏa nhiều lần”
Theo chủ đầu tư, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân đã thuê tư vấn thẩm định và đề nghị UBND quận duyệt giá bồi thường theo giá thị trường nhằm giảm thiệt hại cho các hộ dân bị giải tỏa hai lần.
Tuy vậy, ĐB HĐND TP Lâm Thiếu Quân cho rằng người dân bị ảnh hưởng rất rõ ràng khi bị giải tỏa nhiều lần. “Các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có nên những trường hợp này phải được bồi thường thỏa đáng là đương nhiên. Theo đó, họ phải được bồi thường toàn bộ phần đã xây dựng lại hoặc được hỗ trợ để xây mới. Thứ nữa là cần tăng hệ số bồi thường cho diện tích bị giải tỏa lần hai vì mỗi lần giải tỏa là người dân bị mất thu nhập, xáo trộn cuộc sống. Làm được như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của người dân, không gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án” - ông Quân nói.
ĐB Quân cũng đề nghị BQLDA trả lời cho rõ ràng về trách nhiệm để có thể rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng tương tự. Bởi vì việc này khiến người dân và Nhà nước đều bị thiệt hại. “Theo tôi, chúng ta phải cam kết không để xảy ra tình trạng một hộ dân bị giải tỏa hai lần trong vòng 10 năm. Nếu không, Nhà nước phải bồi thường gấp đôi” - ĐB Quân nói.
ĐB Trần Quang Thắng đồng tình: “Phải bồi thường cao hơn giá thị trường để thể hiện sự quan tâm đối với sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Việc hỗ trợ sau những quyết định đột ngột như thế thì người dân mới hài lòng, hợp tác”.
ĐB Thắng cũng đề nghị phải có sự thống nhất giữa các đơn vị có liên quan để việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch được chuẩn bị kỹ, nếu không người dân sẽ bị thiệt hại và ngân sách nhà nước cũng tốn kém hơn cho việc xử lý các tình huống này. “Việc hỗ trợ, bồi thường cao hơn chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Về căn cơ thì phải có sự đồng bộ. Chính quyền phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân mới có thể giải quyết tốt được” - ĐB Thắng nêu ý kiến.
Người dân thiệt thòi thấy rõ
Quận thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án cải tạo kênh Tham Lương và âu thuyền trên ranh mốc do chủ đầu tư giao. Khi quận thông báo với người dân thì bị phản ứng. Một số hộ dân đã khiếu nại lên UBND TP.
Theo chỉ đạo của UBND TP, chúng tôi đã rà soát, báo với chủ đầu tư để giải thích với người dân lý do giải tỏa hai lần và về sự cần thiết đầu tư dự án âu thuyền. Tuy vậy, hiện người dân đang chờ kết luận của UBND TP.
Chúng tôi cũng nhận thấy rõ các thiệt thòi của người dân nên chúng tôi sẽ đề xuất phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thấy Nhà nước ghi nhận sự thiệt thòi của họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các chủ đầu tư cố gắng nghiên cứu chặt chẽ, hợp lý từ ban đầu nhằm tránh tình trạng giải tỏa nhiều lần, gây xáo trộn cuộc sống cho người dân.
Ông NGUYỄN MINH NHỰT,
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân
Lê Thoa (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.