Để dứt điểm một dự án treo đã kéo dài hơn 20 năm tại quận Đống Đa, liên ngành thành phố vừa kiến nghị bồi thường bằng đất ở đối với các hộ dân bị thu hồi đất. Đây là ưu đãi lớn ở thời điểm hiện tại bởi từ nhiều năm nay, tại các quận nội thành, cơ chế bồi thường bằng đất ở đã không còn được đề cập đến.

Dự án hồ Ba Mẫu gây bức xúc vì đã kéo dài hơn 20 năm

Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) được xem là một trong những dự án “treo” lâu nhất tại các quận nội thành Hà Nội cũ. Khởi động từ những năm 1990, tới nay, sau hơn 22 năm, dự án vẫn còn dang dở, thậm chí chưa GPMB xong, gây khiếu kiện, bức xúc kéo dài trong nhiều năm. Để giải quyết dứt điểm, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công trong năm 2012.

Thực hiện yêu cầu này, liên ngành thành phố (Sở TN-MT, Xây dựng, UBND quận Đống Đa) vừa trình UBND TP cơ chế, chính sách bồi thường đối với các hộ dân trong diện GPMB. Đáng chú ý, nhiều hộ dân sẽ được bồi thường bằng đất ở thay vì cơ chế thường thấy hiện nay là nhận tiền hay căn hộ chung cư. Cụ thể, với các chủ sử dụng đất được UBND phường xác nhận có nguồn gốc là đất ở, sử dụng ổn định, không tranh chấp trước

15-10-1993 và có diện tích đất bị thu hồi (toàn bộ) nhỏ hơn 40m2 thì được bố trí 1 lô đất tái đinh cư diện tích tối thiểu là 40m2. Phần diện tích đất giao tái định cư vượt diện tích đất bị thu hồi phải nhân với hệ số giá k = 1,2. Tương tự, nếu diện tích đất bị thu hồi từ 40-90m2, sẽ được bố trí đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi. Phần diện tích đất giao tái định cư nếu vượt hơn cũng phải nhân với hệ số giá k = 1,2. Trường hợp diện tích đất bị thu hồi lớn hơn 140m2, ngoài lô đất được bố trí tái định cư là 90m2, người dân được bố trí thêm 1 lô đất có diện tích tối thiểu 40m2. Trường hợp hộ gia đình có từ 5 nhân khẩu trở lên được CAP xác nhận ăn ở thường xuyên, ổn định, liên tục tại địa chỉ GPMB từ trước thời điểm công bố quy hoạch của dự án, sẽ được xét bố trí thêm 0,2 lần hạn mức giao đất ở tối đa (0,2 x 90m2=18m2) cho mỗi nhân khẩu nhưng tổng diện tích đất tái định cư được bố trí không vượt quá diện tích đất bị thu hồi. Các chủ sử dụng đất có cả đất sử dụng trước 15-10-1993 và sử dụng từ sau 15-10-1993 đến trước 4-4-2001 (thời điểm công bố quy hoạch của dự án) cũng được xem xét bồi thường bằng đất ở.

Các chủ sử dụng đất chỉ có phần đất bị thu hồi được UBND phường xác nhận có nguồn gốc là đất ở, sử dụng ổn định không tranh chấp từ sau 15-10-1993 đến trước thời điểm công bố quy hoạch dự án (2001) thì được bố trí 1 lô đất tái định cư có diện tích tối thiểu là 40m2, với giá đất nhân với hệ số giá k=1,2. Với chủ sử dụng đất có phần đất không đủ điều kiện đền bù theo giá đất ở, chỉ được hỗ trợ theo giá đất ở thì được bố trí 1 lô đất tái định cư có diện tích tối thiểu là 40m2, với giá đất nhân hệ số giá k=1,5.

Với các trường hợp bị cắt xén, liên ngành cho biết, nguyên tắc bố trí đất tái định cư chỉ xem xét các trường hợp bị thu hồi đất được UBND phường xác nhận có nguồn gốc là đất ở sử dụng ổn định không tranh chấp trước 15-10-1993 và phải thu hồi từ 20m2 trở lên. Nếu phần diện tích còn lại ngoài chỉ giới GPMB lớn hơn 240m2 (tức là lớn hơn hoặc bằng 2 lần hạn mức công nhận đất ở) thì không xem xét tái định cư.

Phải xử lý dứt điểm các khu đất vàng bỏ hoang

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục có các biện pháp quản lý và xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn. Cùng với đó, TP Hà Nội phải đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra và phát hiện 32 khu đất có sai phạm trên địa bàn 4 quận, huyện (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm), với diện tích khoảng 488.545m2 của 23 chủ đầu tư. Trong đó, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích khoảng 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ô tô....) với diện tích khoảng 159.328m2 (Báo An ninh Thủ đô đã có loạt bài phản ánh).

Nhiều doanh nghiệp lớn đã bị nêu tên vì bỏ hoang đất như Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD); Công ty CP Hacinco; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội...
Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.