Đây là thông tin được ông Vũ Hà - Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy chiều 9/1.
Ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 9/1/2018
Cuối năm không làm được là... thua
Theo ông Hà, tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy là đường trục chính đô thị nằm trên trục Đông - Tây thuộc khu vực trung tâm Thành phố.
Dự án này đã 3 lần được điều chỉnh kể khi UBND Thành phố đã có quyết định về việc cho phép chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Voi Phục từ 1999, nhưng do thiếu vốn, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được thực hiện trước và hoàn thành năm 2013. Ngay trong năm này, chủ đầu tư đã trình UBND Thành phố phê duyệt đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, một lần nữa, do thiếu vốn, UBND Thành phố chỉ đạo trước mắt đầu tư đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ - Láng Hạ chứ không làm toàn tuyến.
“Như vậy, để liên thông toàn tuyến vành đai 1, trong những năm tiếp theo sẽ phải triển khai tiếp 4 đoạn tuyến, cầu vượt: đường từ Giảng Võ - Láng Hạ đến Nguyễn Chí Thanh, đường từ Nguyễn Chí Thanh đến Voi Phục và 2 cầu vượt Giảng Võ - Láng Hạ, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh.” – ông Hà thông tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT, chủ đầu tư cho biết đã hoàn thiện dự án đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ - Láng Hạ trình thẩm định tháng 7/2014. Sau khi làm đủ các trình tự, ngày 27/12/2017, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (do đây là dự án nhóm A, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng) với tổng vốn đầu tư hơn 7.780 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 6.000 tỷ đồng.
Phạm vi thực hiện kéo dài từ Quận Đống Đa (phường Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng), Quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh), chiều dài tuyến khoảng 2,274 km. Phạm vi chiếm đất của dự án là khoảng hơn 159 km2, với 2.328 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng.
“Theo tiến độ, dự án sẽ được trình thẩm định trong tháng 1/2018 và sẽ được duyệt trong quý 1 cùng năm, sau khi hoàn thành thiết kế cơ sở và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Việc GPMB sẽ được chính thức thực hiện từ ngay sau khi dự án được phê duyệt (quý 1), trong đó tập trung GPMB trước khu vực 2 cầu vượt. 2 cầu vượt sẽ bắt đầu thi công từ quý 3/2018" - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết.
Đảm bảo để người dân ít thiệt thòi nhất
Tại Hội nghị giao ban, trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu có đảm bảo tiến độ nếu việc GPMB phụ thuộc vào việc lấy ý kiến người dân, Giám đốc Ban quản lý dự án Nguyễn Sĩ Bảo cho biết, đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu phải chia ra làm 3 dự án và dự án nào cũng phải thực hiện trên 3 năm.
“Thành phố ở từng giai đoạn không đủ vốn mới phải làm như vậy. Thời gian kéo cả chục năm. Phải tập trung nguồn lực vì vốn đầu tư rất lớn. Nếu so với cách làm cũ thì có thể nói là ko tưởng với thời gian 3 năm, nhưng quyết tâm thực hiện. Cuối năm nay không khởi công được là thua, GPMB làm trong 2 năm, thực hiện cuốn chiếu. Trong tháng 1 này phải trình dự án" - Phó giám đốc Ban quản lý dự án thông tin.
Ông Bảo cũng cho biết, để đảm bảo nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn, Sở Xây dựng đã bố trí từ 5 dự án: Dự án nhà 30T1-30T2 A14 khu đô thị Nam Trung Yên 672 căn, Dự án khu nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa 150 căn, Dự án tổ hợp nhà ở - TTTM - siêu thị và văn phòng gần BigC- Cầu Giấy 201 căn, Dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La - Tây Hồ 960 căn, Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an 388 căn.
Khu vực xây dựng 2 cầu vượt cũng cần tái định cư 305 hộ (chưa gồm đường dẫn). Ngoài ra, còn khoảng 148 thửa đất có hình thể, diện tích không đủ điều kiện cấp phép xây dựng phải hợp khối hoặc thu hồi ngay trong giai đoạn thực hiện dự án.
Theo ông Bảo, Ban quản lý dự án đã thống nhất với sở Xây dựng, quý 1 cần 300 căn tái định cư để làm cầu vượt trước. "Dự án sẽ ưu tiên cho việc người dân nhận tiền thay nhà theo sát giá thị trường để người dân thấy thỏa đáng." - ông Bảo nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về phần mở rộng hiện nay đang bị người dân phản đối nhưng trước đó báo cáo đoàn Giám sát của Quốc hội, Ban quản lý dự án cho biết người dân đã đồng thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, trong năm 2017 chỉ giới con đường này mới xuất hiện nhưng phần mở rộng đã có trong quy hoạch trước đó.
"Tháng 4/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Đống Đa phần đất xen kẹt dưới đường vành đai 1 Đê La Thành quy hoạch đất cây xanh; tại bản đồ quy hoạch chi tiết phường Ô Chợ Dừa được Thành phố phê duyệt năm 2002 cũng xác định dải đất này là đất cây xanh). Do đó có thể nói, tại thời điểm đó các cơ quan phải tuân thủ quy hoạch này." -
"Khi thực hiện dự án vào tháng 5/2017 thì chỉ giới con đường đã có phần mở rộng. Sau đó đã công bố chỉ giới và nhận được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, Ban quản lý có cắm mốc giới của cả tuyến đường, phần lớn người dân đồng thuận. Ban quản lý đã tiến hành bàn giao mốc giới vào ngày 26/5/2017. Việc phản đối của người dân là sau này, sau cả thời điểm bàn giao mốc giới là 26/5/2017 và công bố quy hoạch." ông Bảo khẳng định.
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cũng nhấn mạnh, nếu giải phóng được thì cả một dải từ Hoàng Cầu cho đến sát Nguyễn Chí Thanh hoàn toàn không có nhà siêu mỏng, siêu méo bên tay phải. "Thời gian tới chúng tôi sẽ cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc đối thoại với người dân để tạo nên sự đồng thuận khi trình Thành phố" - ông Bảo thông tin.
Thông tin thêm về dự án, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó chủ tịch UBND Quận Đống Đa cho biết, Quận Đống Đa được phê duyệt quy hoạch năm 2000 và lúc đó, quy hoạch khu vực đó đã là cây xanh. Việc dân chưa đồng thuận lấy đất làm bãi đỗ xe và cây xanh sẽ tổ chức đối thoại. "Tinh thần là nếu thực hiện dự án đồng bộ cả phần đường và bãi đỗ xe cây xanh theo quy hoạch thì hiệu quả, tạo ra cảnh quan môi trường, giao thông tốt nhất" - ông Giáp nói.
Không mở rộng được đường thì Hà Nội sẽ không giải được bài toán giao thông
Cũng chia sẻ tại buổi giao ban báo chí, ông Vũ Văn Huyện – Giám đốc sở GTVT cho biết, khó khăn của dự án là GPMB, hạn chế tối đa nhà siêu mỏng siêu méo và các hạ tầng không đồng bộ. "Hiện nay, chúng ta đang phải tận dụng lòng đường vỉa hè để để phương tiện, nên phải dành diện tích để tăng cường giao thông tĩnh trong quy hoạch. Vì lợi ích chung đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận nên phải làm thế nào để bộ phận bị ảnh hưởng ấy ít thiệt thòi nhất." - ông Giáp chia sẻ.
"Tiệm cận được đến mong muốn thực sự của các hộ dân là rất khó khăn. Đảm bảo lợi ích chung, không có lợi ích cá nhân nào ở đây." ông Giáp nói và cho biết thêm, hiện vành đai 2 cũng đang GPMB và phải di dời khoảng 2000 – 3000 hộ dân. "Nhưng nếu không mở rộng được đường thì Hà Nội sẽ không giải được bài toán giao thông" - ông Chủ tịch quận Đống Đa nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của VnMedia, chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập và hoàn thành từ năm 1997 và được UBND Thành phố phê duyệt năm 1999. Công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Trung Tự - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy) cũng đã được hoàn thành và bàn giao từ năm 2001.
Chủ đầu tư hiện đã lập dự án chung cho toàn tuyến từ Hoàng Cầu - Voi Phục, mặt cắt theo chỉ giới quy hoạch đã phê duyệt, bao gồm 2 cầu vượt tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.
Tuy nhiên, sau đó, Chủ đầu tư đề nghị bổ sung 2 khu đất phía Bắc xen kẹt giữa chỉ giới đường đỏ đã duyệt và phố La Thành (đoạn 1 từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ xây dựng HTKT- cây xanh- bãi đỗ xe, đoạn 2 từ dốc Bệnh viện Phụ sản đến Voi Phục xây dựng hạ tầng kỹ thuật). Như vậy, khu vực phía Bắc đường đê La Thành sẽ “trắng” nhà dân.