28/03/2012 1:31 PM
Hội thảo về "Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản năm 2012" do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, nhiều thông tin gợi mở được các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đề cập nhằm đưa thị trường bất động sản vận hành một cách lành mạnh, minh bạch và ổn định trong lâu dài.

Nhiều giải pháp


Với mục tiêu "thị trường quyền sử dụng đất cần tạo động lực cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, đa dạng hàng hóa bất động sản, phát triển thị trường trong khu vực kinh doanh và thực hiện dễ dàng việc chuyển giá trị bất động sản thành vốn đầu tư," ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Cục trưởng, Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu của thị trường và hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tạo nguồn cung ổn định về đất đai, nhà ở cho thị trường bất động sản.


Bên cạnh đó phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giúp Nhà nước chủ động quản lý toàn bộ thị trường đất đai sơ cấp và đưa quỹ đất vào thị trường thứ cấp hợp lý, thông qua biện pháp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phù hợp với cơ chế thị trường. Cần hoàn chỉnh các quy định để quyền sử dụng đất thực sự trở thành hàng hóa, dễ dàng chuyển thành vốn đầu tư thông qua quyền bảo lãnh, thế chấp và góp vốn.


Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc cấp cao, Quỹ quản trị rủi ro Vreit Management gợi ý thành lập Quỹ tín thác bất động sản, thông qua đó tạo cầu nối giữa các nhà đầu tư tài chính - doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua nhà giá rẻ.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, ông Trần Kim Chung lại có kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn như Nhà nước mua lại những bất động sản giá vừa phải, hình thành các quỹ tiết kiệm bất động sản và xem xét đưa vào nghiên cứu chính sách thuế bất động sản.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô và năng lực tài chính, huy động tối đa các khả năng để hoàn thành những dự án dở dang; các nhà đầu tư thì nên cân nhắc kỹ để lựa chọn những dự án đầu tư hiệu quả, cắt lỗ những dự án khó có khả năng hoàn thành để tập trung nguồn lực cho chu kỳ đầu tư mới.


Liên quan tới vấn đề siết chặt hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, ông Đỗ Trọng Hải, Luật sư điều hành Công ty Luật Bizlink cho rằng Nhà nước nên cho phép các chủ thể sử dụng đất thuê, đã trả tiền hàng năm được phép chuyển nhượng.


Việc làm này sẽ tăng thu cho ngân sách, tránh tình trạng trốn thuế hoặc chuyển nhượng "chui" dưới các hình thức khác nhau như hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, nhờ đó tạo sự minh bạch và thuận lợi trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với người sử dụng đất thực.


Ngoài ra, ông Hải còn đề nghị cần sớm có những quy định và cơ chế rõ ràng để tính và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải trả cho Nhà nước.


Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Chi nhánh, Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội, có ý kiến rằng cần đặt ra tiêu chí xây dựng các sản phẩm bất động sản chất lượng cao nhưng giá thành hợp lý trên cơ sở ổn định về giá đất và mức độ hoàn thiện của ngôi nhà.


Bằng sự hợp tác lâu dài giữa các nhà sản xuất, cung cấp vật liệu và sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp, chắc chắn sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh cao và được thị trường đón nhận tốt.


Cần nhất là phải đưa ra khái niệm giá vốn tối thiểu các sản phẩm chung cư, đất nền... giúp khách hàng có cơ sở để lựa chọn và ra quyết định đầu tư.


Kết quả chưa nhiều


Đến thời điểm này, dù nhiều giải pháp "cứu" thị trường bất động sản đã được đặt lên bàn, nhưng vận dụng ra sao và hiệu quả đem lại vẫn còn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.


Việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản đã và vẫn đang trong giai đoạn bàn, thảo và góp ý kiến.


Mặc dù thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào thí điểm mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở, nhưng chưa đem lại nhiều hiệu ứng tích cực - ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết.


Bên cạnh đó, trước những nỗ lực của các doanh nghiệp thuộc khối tài chính, ngân hàng, ông Trần Kim Chung, khẳng định vấn đề vốn cho thị trường bất động sản khó có thể trông chờ vào hệ thống tài chính, ngân hàng. Bởi chính họ cũng còn chưa tự xử lý được những bất cập ngay trong nội bộ hệ thống, đặc biệt là kiểm soát việc tăng mức tín dụng cho nền kinh tế.


Xác minh nguồn tin Nhà nước bỏ tiền
mua lại một số dự án nhà ở thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác tái định cư, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết chủ trương đó là đúng đắn và đã được Chính phủ thông qua. Thành phố Hồ Chí Minh đang và sẽ triển khai kế hoạch này trong năm nay và những năm kế tiếp, nhưng chưa có báo cáo kết quả.

Đây là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích, thứ nhất doanh nghiệp bán được hàng, nhanh chóng thu hồi vốn để tái đầu tư; thứ hai, người dân được hưởng các điều kiện tốt hơn về nhà ở, bởi nhà thương mại chất lượng cao hơn nhà ở xã hội; thứ ba, Nhà nước cũng mua được nhà ở với giá rẻ nhất là vào thời điểm này.


Tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu mua lại một số dự án làm nhà ở công vụ, phục vụ mục đích luân chuyển cán bộ thuộc các bộ, ban, ngành của Chính phủ, ông Nam cho biết thêm.


Thị trường bất động sản có thể đã rơi vào vùng đáy của chu kỳ khủng hoảng là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa là cơ hội thay đổi để vươn lên đang nằm rất gần tầm với.


Những nỗ lực, phấn đấu của mọi chủ thể tham gia thị trường bất động sản là không thể phủ nhận, song cần phải nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa mới mong "vượt cửa vũ môn"./.
Theo Vietrtnamplus
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.