15/02/2023 10:20 AM
Nhận diện những khó khăn mà thị trường bất động sản đang gặp phải và từ kinh nghiệm điều tiết thị trường bất động sản của Trung Quốc, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Ảnh minh họa

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo Bộ Xây dựng, kinh nghiệm điều tiết thị trường bất động sản của Trung Quốc cho thấy cần hạn chế đầu cơ bất động sản, bảo đảm khả năng chi trả, tiếp cận nhà ở của người dân thông qua việc xác định nhà là để ở, không phải để đầu cơ.

Một kinh nghiệm khác là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhằm giảm thiểu rủi ro thanh khoản và rủi ro tài chính thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự án chưa hoàn thiện thông qua việc kêu gọi các địa phương có chính sách đặc thù. Chính phủ thì thành lập các quỹ trị giá 44 tỉ USD để mua lại các dự án nhà dang dở, rồi hoàn thiện việc xây dựng và bàn giao cho người mua. Ngân hàng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng chính sách để cho các địa phương vay.

Một kinh nghiệm khác nữa là thực hiện chính sách hỗ trợ người mua nhà thông qua việc giảm lãi suất cơ bản các khoản vay nhằm hỗ trợ và cung cấp vốn cho doanh nghiệp, người mua nhà, kích cầu tổng thể nền kinh tế; khuyến khích các tổ chức cho vay đẩy mạnh giải ngân tín dụng đối với nền kinh tế thực.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho người mua nhà từ quỹ dự phòng. Theo đó, công chức, viên chức có thể rút tiền từ quỹ dự phòng để giúp con cái hoặc người thân trong gia đình mua nhà.

Bên cạnh những kinh nghiệm nêu trên, còn có việc đẩy nhanh phát triển nhà cho thuê giá rẻ, nới lỏng các hạn chế về định cư ở các thành phố lớn nhằm kích cầu nhà, tối ưu hóa môi trường kinh doanh và bảo vệ người mua nhà.

Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, nhằm phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Trung Quốc sẽ tăng cường đổi mới các giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ; ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ lan rộng gây nguy cơ rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội; nới lỏng các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người thu nhập thấp mua nhà.

Ngoài ra còn có việc tập trung giải quyết tình trạng nhà bỏ trống; xây dựng quỹ phát triển nhà ở; hoàn thiện chính sách thuế và cơ chế đấu giá cũng như các quy định về truyền thông trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Phước Bình

Giải pháp nào cho thị trường Việt Nam?

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay và nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp có liên quan.

Về vấn đề thể chế, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi.

Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng cho rằng cần điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và và thị trường bất động sản nói chung.

Một vấn đề quan trọng khác là việc xem xét nới trần room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Về nguồn vốn trái phiếu, Bộ Xây dựng cho rằng cần chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó là kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh,…) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị hàng loạt giải pháp liên quan đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; về thị trường chứng khoán; về tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương; về thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường và doanh nghiệp.

Đơn cử liên quan đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng cần đề xuất với Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng. Con số này tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 – 2030, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án NOXH, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Theo Bộ xây dựng, gói tín dụng này về cơ bản giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.