07/09/2020 2:25 PM
Hệ thống thoát nước lạc hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch xây dựng đô thị thiếu đồng bộ, thiếu hụt các hồ điều hòa… là những nguyên nhân chính dẫn đến việc Hà Nội ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực quan trọng. Theo các chuyên gia, cần triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và chiến lược để giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Thủ đô.

Giải pháp nào cho việc giảm thiểu ngập úng tại Thủ đô?

Cơn mưa lớn ngày 17/8 khiến khu vực Hồ Gươm ngập úng (Ảnh: CTV).

Lý giải về tình trạng trên, TS.KTS Phạm Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Đại học Xây dựng) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn, điển hình như tại Hà Nội. Từ hàng chục năm nay, hàng trăm ao, hồ, vùng trũng, kênh trong nội đô bị san lấp để chuyển đổi đất cho mục đích xây dựng. Ngoài ra, các hồ bị thu hẹp diện tích hoặc kè cứng, khiến chúng không còn khả năng điều hòa. Khi mưa xuống, lượng nước không được tích trữ “tạm” trong các ao, hồ, vùng trũng. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo cả đô thị bị “bê tông hóa”, các vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến dòng chảy của nước mưa không được chặn lại, tốc độ chảy nhanh hơn. Kèm theo đó là thời tiết thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn kéo dài, vượt ngưỡng chịu tải của thành phố.

Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng tại khu vực Yên Sở là điểm tập trung, thu giữ nước của thành phố. Tuy nhiên, khi tất cả lượng nước bị tập trung tại một điểm, trong quá trình di chuyển từ đầu này đến đầu kia thành phố sẽ dẫn đến ngập úng tại một số khu vực nhất định.

Vì vậy, để “giải bài toán” ngập úng, Hà Nội cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao công tác quản lý cho đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt, tập trung phát triển theo hướng giải quyết hạ tầng cảnh quan, bền vững thay vì giải pháp hạ tầng kỹ thuật – bê tông hóa.

Quan trọng nhất là gìn giữ diện tích mặt nước hiện có, không xâm lấn các ao, hồ tại nội đô, đồng thời xây dựng thêm nhiều hồ điều hòa – phân tán ở nhiều khu vực khác nhau để tăng diện tích chứa nước. Ngoài ra, có thể học hỏi thêm kinh nghiệm của một số quốc gia để phát triển ao, hồ, sông theo hướng kè mềm, kè sinh thái, tạo ra vùng đệm thay vì kè cứng, kè bê tông như hiện nay. Đáng chú ý, nên hạn chế bê tông hóa bề mặt, thay thế dần bằng các vật liệu xây dựng thấm nước, tạo ra nhiều không gian trống, không gian đa chức năng.

Giải pháp nào cho việc giảm thiểu ngập úng tại Thủ đô?

Ngập lụt đô thị đang trở thành “vấn nạn” của thành phố Hà Nội.

Được biết, trong khu vực nội thành, chỉ có quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân được đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh. Hệ thống này cũng chỉ có thể giải quyết tiêu thoát cho những trận mưa cường độ 300mm/2 ngày, còn ở các khu vực khác, nước mưa vẫn chủ yếu tiêu thoát tự chảy. Với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Với các trận mưa 50-100mm/2 giờ, trên các tuyến phố chính còn tồn tại 16 điểm úng ngập cục bộ.

Đề xuất một số giải pháp để hạn chế ngập úng tại nội đô Hà Nội, ông Ngô Trung Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam chia sẻ: Vừa qua, có một trận mưa lớn, dồn dập tại quận Hoàn Kiếm, vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống, khiến khu vực xung quanh hồ ngập úng. Có thể thấy, năng lực hệ thống thoát nước của Hà Nội đã xuống cấp, lạc hậu và bị ùn ứ bùn đất, do đó khi mưa xuống, dòng chảy thoát nước bị chậm lại nên một vài khu vực bị ngập úng. Do đó, tiến hành cải tạo, nạo vét cơ bản nhiều đường ống thoát nước thì các tuyến phố sẽ rút nước rất nhanh.

Đặc biệt, do Hà Nội có thêm nhiều khu đô thị mới, nên cần kết nối các hệ thống thoát nước đồng bộ giữa khu đô thị mới với hệ thống thoát nước cũ để tránh ngập úng cục bộ tại những nút giao quan trọng. Ở các khu đô thị, chủ đầu tư có thể xây dựng hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh, vừa làm không gian sinh hoạt chung vừa có tác dụng điều tiết khí hậu.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu phát triển một số dự án chiến lược mới, táo bạo kết hợp với hệ thống giao thông như làm đường ngầm để xả nước. Ở các quốc gia phát triển, để chống ngập lụt, họ sử dụng các vật liệu xây dựng nhằm tăng hệ số thấm đô thị như bê tông xốp, nhựa xốp thấm nước mưa, trồng thêm nhiều cây xanh. Tại các nhà chung cư, nhà cao tầng, có thể làm mái giữ nước tái sử dụng hoặc bể ngầm chứa nước mưa. Hệ thống thu gom – lọc, lưu trữ nước mưa sạch được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững.

  • 'Cấp tốc' kiểm tra công trình nhà riêng lẻ cấp đến 4 hầm ở Hà Nội

    'Cấp tốc' kiểm tra công trình nhà riêng lẻ cấp đến 4 hầm ở Hà Nội

    Trước những phản ánh của người dân về công trình nhà ở riêng lẻ cấp phép “lạ” có tới 4 tầng hầm ở phố Sơn Tây (phường Điện Biên) gây xôn xao, Bí thư Quận ủy Ba Đình đến gặp gỡ người dân để lắng nghe ý kiến, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu UBND quận thông tin cụ thể với người dân về sự việc này.

Khánh An - Diệu Anh (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.