23/12/2020 10:16 AM
Nhằm thực hiện triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, sáng ngày 22/12/2020, tại Hà Nội, Vụ Dầu khí và Than – Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”.

Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans); Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Diễn đàn có sự tham dự của Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Việt Sơn – Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; PGS.TS Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế; TS. Mai Duy Thiện – Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; Bà Ngô Thúy Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Huy Vượng - Trưởng ban Điện Tập đoàn, Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Ông Hà Đăng Sơn – Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP) và hơn 300 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến Địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông.

Giải pháp nào cho phát triển năng lượng bền vững - ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học-công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại...

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, chủ đề của Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 55 ngày 11/2/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tiếp tục xác định quan điểm “phát triển nhanh và bền vững” với mục tiêu đến năm năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như đã nêu tại dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong thời gian tới, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong thời gian tới: Tập trung phát triển ngành công nghiệp khí; ưu tiên phát triển điện khí; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG); Đảm bảo đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.

Giải pháp nào cho phát triển năng lượng bền vững - ảnh 2

Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương)

Để phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không thể không nhắc đến giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh cho biết, tiết kiệm năng lượng (TKNL) không đem lại lợi ích kinh tế tức thời như các hoạt động đầu tư khác, nhưng đem lại lợi ích kép về giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn và nhập khẩu năng lượng và có thể đáp ứng 7 mục tiêu phát triển bền vững (7, 8, 9, 11, 13, 16, 17) phục vụ đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Kết luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Việt Sơn – Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than khẳng định, những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững.

PV (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.