- Ông có thể cho biết, các gói hỗ trợ DN của hệ thống ngân hàng thương mại tại khu vực phía Nam trong thời gian gần đây?
Hiện các NHTM đều có các gói hỗ trợ (lãi suất thấp từ 12 -13%, có sản phẩm lãi suất dưới 10%/năm) cho các DN thuộc 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Đến nay, tổng dư nợ cho vay 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên với lãi suất dưới 13%/năm trên địa bàn TP HCM đạt 76.170 tỉ đồng, với tổng số lượng khách hàng vay là: 22.172 khách hàng, tăng liên tục so với trước khi triển khai cơ chế chính sách này (thông tư 14 và thông tư 20). Đồng thời các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ DN. Hiện nay quy mô gói hỗ trợ DN của các TCTD là: 31.500 tỉ đồng và 162 triệu USD (cho vay lãi suất thấp từ 13%/năm trở xuống). Với các gói hỗ trợ này, các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp từ các NHTM trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm, nhưng nhiều DN không còn tài sản thế chấp, vậy có giải pháp nào để hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, thưa ông? Giải pháp bảo lãnh cho DN vay vốn của Đà Nẵng được triển khai vừa qua có thể nhân rộng?
Nhiều cơ chế chính sách của NHTƯ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho DN: như cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất cho vay; cho vay ưu đãi DN thuộc 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt là cơ cấu lại nợ và điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ trực tiếp hỗ trợ DN rất lớn. Trên thực tế, các NHTM đã rất linh hoạt và chủ động trong quá trình tăng trưởng tín dụng. Ngoài cho vay có tài sản thế chấp, các ngân hàng đã và đang áp dụng hình thức tín dụng thế chấp dòng tiền. Theo đó trên cơ sở phân tích khả năng tài chính, luân chuyển vốn của DN và tiêu thụ hàng hóa, thu bán hàng… ngân hàng xem xét cho DN vay mà không cần tài sản thế chấp.
Về phía cơ quan quản lý, việc chính quyền Đà Nẵng bảo lãnh cho DN vay vốn ngân hàng là giải pháp tốt trong điều kiện hiện nay. Đây cũng là giải pháp đã được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau tại TP HCM từ nhiều năm nay thông qua: Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quyết định 36 của UBND TP HCM; chương trình cho vay hàng bình ổn giá… Các chương trình này cần tiếp tục được tăng cường và quy mô lớn hơn nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa lớn hơn đối với toàn bộ nền kinh tế.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần thành lập các Cty mua bán nợ hoặc chỉ định các Ngân hàng nhà nước mua lại nợ xấu của những ngân hàng thương mại là giải pháp vừa hỗ trợ DN, vừa hỗ trợ ngân hàng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc Chính phủ đứng ra giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế thông qua các biện pháp khác nhau đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tùy theo điều kiện mỗi quốc gia, tùy theo mức độ nợ xấu và bản chất nợ xấu để có giải pháp xử lý phù hợp. Theo quan điểm của tôi, trước hết cần phân loại và đánh giá nợ xấu; quy mô nợ xấu; bản chất nợ để phân loại nợ xấu. Trong đó trong ngắn hạn, trước hết các TCTD cần chủ động xử lý nợ xấu thông qua các Cty mua bán và xử lý tài sản của NHTM; thông qua quỹ dự phòng rủi ro. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, cần tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục (giảm nhanh thời gian thi hành án; thủ tục công chứng chuyển nhượng TSBĐ và các vấn đề khác có liên quan…) cho các NHTM xử lý nhanh tài sản bảo đảm để bán thu hồi nợ.
Một giải pháp quan trọng khác mang tầm vĩ mô, đó là giải pháp giải quyết nhanh chóng hàng tồn kho, tạo điều kiện cho DN luân chuyển vốn và trả nợ vay ngân hàng, trong đó chi tiêu công, hoặc gói hỗ trợ từ Chính phủ có ý nghĩa quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!