Thời gian qua, dư luận dồn dập nhận các thông tin liên quan về những khoản nợ xấu của các ngân hàng khi doanh nghiệp phá sản, “biến mất” cùng những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng.
Những thông tin trên đang đặt ra nhiều lo ngại rằng, với hơn 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay, sẽ còn bao nhiêu vụ phá sản, vỡ nợ tương tự, tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng thương mại?

Những hệ lụy của nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế là điều không phải bàn cãi, nhất là khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.


Bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguyên nhân chính làm gia tăng nợ xấu xuất phát từ chính các ngân hàng. Do đó, tìm kiếm giải pháp nhằm chặn đà tăng của nợ xấu, giảm thiểu tác động bất lợi của nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế phải bắt đầu từ chính các ngân hàng, đồng thời không xem nhẹ nguyên nhân từ chính sách điều hành chung.


Trước hết, cần siết chặt các nguyên tắc quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng, không kể đó là ngân hàng ở quy mô nào. Đây là nguyên nhân gốc và căn bản khiến cho tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi tăng cao. Thực tế cho thấy, các ngân hàng thương mại đã bước đầu tăng cường đầu tư cho công tác quản trị rủi ro, nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn.


Thứ đó, phải ngăn chặn từ gốc các nguyên nhân khiến cho các chuẩn mực quản trị rủi ro bị xem nhẹ hoặc cố tình bỏ qua. Những trường hợp ngân hàng phân phối lượng vốn lớn cho các doanh nghiệp được xem như “sân sau” là một ví dụ. Rất khó để kiểm chứng mức độ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc về quản trị rủi ro khi ngân hàng và doanh nghiệp như “người một nhà”. Các “rủi ro đạo đức” khác trong hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng được nhắc tới nhiều trong thời gian qua.


Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao là do các ngân hàng tăng trưởng quá nóng nhằm đảm bảo hiệu quả lợi nhuận trước áp lực tăng vốn. Do đó, để đảm bảo an toàn hệ thống, một mặt Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt khống chế mức tăng trưởng tín dụng ở mức 15% như Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo, đồng thời đẩy mạnh thanh kiểm tra những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng quá nóng, có dấu hiệu yếu thanh khoản, chạy đua lãi suất.


Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc rà soát, bóc tách các đối tượng khó khăn, có nhu cầu và năng lực sử dụng vốn thực sự để các khoản vay đến đúng đối tượng và đạt hiệu quả là rất cần thiết. Ngược lại, cần kịp thời xử lý các dự án lớn nhưng triển khai kém hiệu quả, kéo dài, gây tồn đọng vốn, thậm chí lâm vào tình trạng không trả được nợ.


Nợ xấu là yếu tố tất yếu trong hoạt động ngân hàng, song thực tế hoạt động ngân hàng vừa qua và diến biến nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn thời gian tới đòi hỏi phải sớm có các giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả đà tăng của nợ xấu cũng như những tác động khó lường của nó đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Theo Huy Hào (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh