10/04/2022 7:25 AM
Tính đến hết tháng 3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính ước đạt gần 12% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Trong đó, vốn trong nước đạt 12,66% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 0,99% kế hoạch.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết đến ngày 30/3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết là 466.123.313 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng đã giao.

Đến nay, còn 13/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 với số vốn bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, cơ quan và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư) cho các dự án vừa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Vốn trong nước đạt 12,66% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 0,99% kế hoạch.

Trong đó, 4 bộ và 15 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 20%, trong đó một số đơn vị có tỉ lệ giải ngân đạt trên 25% . Tuy nhiên, có 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%), trong đó 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.

Lý do giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu mà một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đưa ra là bởi một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc chậm tiến độ là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.

"Ngoài ra, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích thêm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.