07/01/2014 2:17 PM
Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, việc giải ngân gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng vẫn rất ỳ ạch. Mỗi tháng mới chỉ có thêm một đến hai doanh nghiệp được vay vốn từ nguồn hỗ trợ này.
Nhiều dự án bất động sản bất động do thiếu vốn
Nửa năm, giải ngân khoảng 2%
Mới đây nhất, nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng mới được rót thêm cho 2 DN với số vốn khoảng 110 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mới vừa có thêm hai DN đó là Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Bạc Liêu và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô được xác định rót thêm nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ lần lượt là 10 tỷ đồng và 101 tỷ đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Trước đó, báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, tính đến hết ngày 31-12-2013, NHNN đã cam kết cho 13 DN và 1.764 khách hàng cá nhân vay với tổng số tiền 1.759 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng đã giải ngân 304 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp, 5 ngân hàng đã giải ngân cho 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng.
Như vậy, tính cả hai DN mới được vay số vốn hơn 100 tỷ đồng từ gói hỗ trợ này, đến thời điểm này, gói hỗ trợ thị trường bất động sản này mới giải ngân chưa đến 1.000 tỷ. Điều này cho thấy, dường như "đường đi” của gói hỗ trợ này vẫn đang ở… vạch xuất phát, khi mà số giải ngân mới chỉ xấp xỉ 2%.
Có thể thấy, tốc độ giải ngân khá ỳ ạch của gói hỗ trợ này đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Sự kỳ vọng lúc đầu của các nhà làm quản lý dường như đang bị chính "niềm hy vọng” mang tên 30.000 tỷ này dập tắt dần. Trước sự chậm chạp này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan quản lý phải rà soát lại và báo cáo về tốc độ triển khai gói hỗ trợ này ngay trong tháng 3-2014 tới đây.
Không thể phủ nhận thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu ấm dần lên trong thời gian gần đây, nhưng phần đóng góp của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho sự "tan chảy tảng băng” ở thị trường này là không nhiều.
Sở dĩ phải khẳng định điều đó là bởi, khá nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng đã bày tỏ những thất vọng đối với việc giải ngân gói hỗ trợ này.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, một người dân ở Hoàng Mai (Hà Nội), khi nghe gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ dành những ưu đãi đặc biệt cho người thu nhập thấp, ông đã nghĩ rằng cơ hội được sở hữu một căn nhà đã đến rất gần. Tuy nhiên khi tới ngân hàng hỏi vay vốn, ông Tuấn lắc đầu ngao ngán vì những thủ tục mà phía ngân hàng đặt ra là quá khó, quá rườm rà.
"Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, tổng thu nhập được khoảng 8 triệu đồng/ tháng, với mức lãi suất 5%/ năm (trước đây là 6% - PV), trừ hết mọi chi phí sinh hoạt thì may lắm chúng tôi dành dụm được khoảng 3 – 4 triệu đồng/ tháng, với số tiền này chúng tôi không thể trả được nợ góp cho ngân hàng trong vòng 10 năm để rồi sau đó lãi suất lại được thả nổi, lúc đó không biết kiếm đâu ra tiền để trả ngân hàng…” – ông Tuấn bày tỏ băn khoăn.
Trường hợp của ông Tuấn chỉ là một ví dụ cho những bất cập trong các chính sách được đưa ra đối với gói hỗ trợ này. Còn rất nhiều trường hợp các khách hàng khó có thể tiếp cận được khi phải chứng minh có khả năng trả nợ, xác định tình trạng sở hữu nhà (đối với người dân) hoặc những thủ tục khác liên quan đến vấn đề chuyển đổi dự án (đối với DN)…Một lần nữa, người ta lại thấy những điểm nghẽn trong chính sách điều hành đã bộc lộ.
Giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ chậm, nguyên nhân chính là do thủ tục ngân hàng
Ỳ ạch vì… chính sách
Từ sự ỳ ạch, chậm trễ của việc giải ngân gói 30.000 tỷ, người ta lại nghĩ đến đề xuất của Bộ Xây dựng về việc sẽ cho ra đời ngân hàng tiết kiệm nhà ở - ngân hàng chuyên dụng dành riêng cho lĩnh vực nhà ở và bất động sản. Không ít ý kiến cho rằng, chỉ riêng một gói hỗ trợ không thôi, mà các chính sách đưa ra còn rườm rà, để đến mức các bên tham gia (từ ngân hàng, DN, người tiêu dùng) đều… ngại thì không biết đẻ thêm ra một ngân hàng chuyên biệt cho lĩnh vực này nữa, sẽ thế nào đây? Rõ ràng, sự thiếu linh hoạt, tính rườm rà vẫn là những điểm nổi bật trong các chính sách mà những nhà điều hành đưa ra. Theo chuyên gia ngành tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, chúng ta không thiếu ngân hàng, cũng không phải là thiếu nguồn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở, bất động sản mà cái thiếu ở đây, cái khiếm khuyết ở đây chính là khả năng đưa ra những chính sách hợp lý, nhất quán từ chính các nhà điều hành.
Quay trở lại với gói 30.000 tỷ, trước những chậm trễ trong việc giải ngân gói hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã phải đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý gói hỗ trợ này, và vấn đề chính vẫn liên quan đến việc cần phải hoàn thiện chính sách. Cụ thể, ngoài việc yêu cầu Bộ Xây dựng phải báo cáo kết quả triển khai, những vướng mắc và biện pháp khắc phục đối với việc giải ngân gói 30.000 tỷ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng "cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách phù hợp với thị trường bất động sản”.
Gói hỗ trợ thị trường BĐS 30.000 tỷ đồng được tung ra từ đầu tháng 6-2013 theo tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho, nợ xấu. Theo đó các đối tượng vay vốn bao người thu nhập thấp, doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội. Tới nay, sau hơn nửa năm, gói hỗ trợ này bị "chê” là giải ngân chậm, Thủ tướng Chính phủ đã phải "thúc” Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần giải ngân kịp thời. Sau đó, gói hỗ trợ dần tăng tốc. Trong tháng 12-2013, số tiền giải ngân đã tăng hơn 270 tỷ đồng, gấp 7 lần tốc độ giải ngân trong tháng 6 và 7, nâng tổng số vốn cho vay từ đầu chương trình lên hơn 730 tỷ đồng.
Duy Phương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.